Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khi Hà Nội được định hướng quy hoạch mới, với mục tiêu xác định trục lõi là dòng sông Hồng, có khu vực phát triển theo hướng sinh thái, công viên xanh dọc hai bên dòng sông kết nối với bãi giữa, thì cơ hội bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên càng hiện thực hơn bao giờ hết.

Cầu Long Biên - điểm nhấn quan trọng không thể thay thế

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai.

Cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.

Nhiều chuyên gia góp ý, bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng.
Nhiều chuyên gia góp ý, bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần gắn kết với quy hoạch đô thị sông Hồng.

Do đó, theo vị chuyên gia đề xuất, quá trình nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên nên gắn kết cùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Việc chuyển đổi bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của thành phố, kết hợp với cầu Long Biên sẽ tạo thành một không gian mở đan xen với các không gian đô thị hiện hữu, làm nên một cảnh quan tuyệt đẹp của Thủ đô và cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương. Khi đó, cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Cơ hội được bảo tồn tôn tạo ngày càng hiện hữu

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Phan Đăng Sơn kỳ vọng, khi Hà Nội đã được định hướng quy hoạch mới, với mục tiêu xác định trục lõi là dòng sông Hồng, có khu vực phát triển theo hướng sinh thái, công viên xanh chạy dọc hai bên dòng sông kết nối với các bãi giữa, thì cơ hội cho di sản cầu Long Biên được bảo tồn tôn tạo càng hiện thực hơn bao giờ hết.

Cùng đó, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam lưu ý, trong quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng, cần xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào.

Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực, cần tôn trọng tối đa quy hoạch chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa. Tốt nhất nên lựa chọn là dạng không gian thiên về công viên xanh bao quanh, kết hợp tổ chức các không gian thành phố sáng tạo phù hợp theo hướng liên kết hoạt động sôi động.

Trong khi đó, theo KTS Trần Thanh Bình - nghiên cứu viên cao cấp Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, khu vực bãi giữa sông Hồng như một miền xanh mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, cũng là nơi hơn một thế kỷ qua gắn với cây cầu Long Biên lịch sử. Từ cây cầu có thể phóng tầm mắt ôm trọn giá trị của dải đất bên con sông Mẹ và ngược lại, từ bãi giữa có thể chiêm ngưỡng hết dáng vẻ kỳ vĩ của cây cầu lịch sử.

 

“Thực tiễn các quy hoạch xây dựng các đại công viên trong các đô thị lịch sử gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị, thông qua một đại sân khấu kể chuyện mang tính nghệ thuật sử thi về những chủ đề đặc trưng, thường thu hút lượng khách du lịch rất lớn”- KTS Trần Thanh Bình - nghiên cứu viên cao cấp Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên dải lụa xanh này được lựa chọn để trở thành trục cảnh quan quan trọng trong Quy hoạch khu đô thị Sông Hồng vừa được phê duyệt, qua đó tạo không gian văn hóa, du lịch, cảnh quan, thúc đẩy việc quy hoạch và chuyển đổi nơi đây thành công viên trung tâm của thành phố.

KTS Trần Thanh Bình đưa ra ý tưởng, đây sẽ là công viên văn hóa đa chức năng, xác lập các chủ đề, phân khu (sinh thái, du lịch, dưỡng sinh, lễ hội, nghệ thuật, sáng tạo...) và kết nối với các khu vực gắn với các địa danh và các trục văn hóa lịch sử.

Cầu Long Biên phải được xác định như một chủ đề mang tính kiến tạo cho không gian công viên và cũng cần được chiếm một tỷ trọng diện tích đủ lớn để thực hiện chủ đề này. Một không gian với diện tích 25.000m2 - 30.000m2 trong công viên văn hóa trung tâm tại Bãi Giữa. Khu vực chân cầu Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến văn hóa, nghệ thuật lý tưởng của du khách.