Bảo vệ người lao động trước tín dụng đen

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (9/5), hơn 200 công nhân, viên chức, lao động huyện Thạch Thất tham gia đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen”.

Chương trình do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thạch Thất tổ chức. 

Quang cảnh buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến.
Quang cảnh buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến.

Tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến,  Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động…

Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động là điều cần thiết. Từ đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Khách mời giải đáp thắc mắc của người lao động.
Khách mời giải đáp thắc mắc của người lao động.

Trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm. Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình tín dụng đen trở thành một vấn nạn phổ biến trong đời sống công nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh, trong các chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn có tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động…

Với các cuộc giao lưu trực tuyến, có thể nói đây là kênh bổ trợ tốt nhất trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.

Đại diện người lao động phát biểu ý kiến.
Đại diện người lao động phát biểu ý kiến.

Không chỉ riêng đoàn viên tham gia trực tiếp tại hội trường, thông qua hình thức trực tuyến, đông đảo đoàn viên ở Hà Nội và cả nước cũng có thể tiếp cận được thông tin, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động.

Nhấn mạnh chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen” là rất nóng và thiết thực, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho hay, trên thực tế, nhiều đoàn viên "sập bẫy" tín dụng đen do chưa có nhận thức đúng đắn về pháp luật, việc không có khả năng trả nợ, ảnh hưởng lớn đến đời sống việc làm của bản thân người lao động và gia đình. Không chỉ vậy, xuất hiện tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng mong muốn đoàn viên, người lao động mạnh dạn trao đổi những vấn đề của cá nhân, đồng nghiệp. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ giải đáp, thông tin tới đoàn viên Công đoàn và người lao động.