Bất cập trong xử lý rác thải y tế

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội đã được quan tâm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm vẫn chưa được phát huy. Tại một số cơ sở, hệ thống xử lý nước thải hiện đã xuống cấp; hệ thống lò đốt rác thải hoạt động không hiệu quả, kiểm soát khí thải lò đốt gặp kém trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

 Phân loại rác thải y tế tại nguồn ở một cơ sở y tế. Ảnh minh họa.
Còn nhiều hạn chế

Theo thống kê, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 27.522kg/ngày, trong đó chất thải y tế nguy hại là 8.448kg/ngày (chiếm 30%). Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ ngày. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 44 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động, trong đó có 10 cơ sở xử lý đang ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế với các cơ sở y tế tại Hà Nội.
Theo dự báo tại quy Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2020 khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn TP trung bình mỗi năm khoảng 90 tấn/ngày (trong đó chất thải y tế nguy hại lây nhiễm khoảng 24 tấn/ngày); đến năm 2030 sẽ phát sinh khoảng 150 tấn/ngày (trong đó chất thải y tế nguy hại lây nhiễm khoảng 40 tấn/ngày); cùng với tiến độ triển khai của các dự án xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn TP, có thể nâng tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại nói chung lên trên 355 tấn/ngày.

Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ có duy nhất một cơ sở có địa điểm xử lý tại Hà Nội là Công ty URENCO 13 (Khu xử lý chất thải Cầu Diễn) với công suất xử lý được cấp phép là 1.600.000kg/năm, tương đương với khoảng 5 tấn/ngày (xử lý các chất thải y tế nguy hại lây nhiễm) theo công nghệ hấp chất thải y tế từ nguồn vốn viện trợ của tổ chức UNDP. Công nghệ đốt chất thải y tế của URENCO 13 đã xuống cấp trầm trọng và dừng hoạt động từ năm 2016, chất thải y tế lây nhiễm sau xử lý được chôn lấp trên bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn và URENCO 10 được cấp phép xử lý chất thải nguy hại (với công suất xử lý được cấp phép là 80 tấn/ngày, không bao gồm hầm chôn lấp bê tông hiện đã đầy). Ngoài ra, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có địa điểm xử lý bên ngoài Hà Nội như Công ty Môi trường Thuận Thành, Công ty Môi trường Xanh, Công ty CP Xử lý chất thải công nghiệp Hòa Bình..., xử lý chất thải theo công nghệ đốt là chủ yếu.

“Đáng lo ngại, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế tư nhân và một số bệnh viện nhỏ do số lượng chất thải rắn y tế nguy hại không lớn nên việc ký hợp đồng vận chuyển, xử lý rác thải với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép gặp khó khăn, giá thành vận chuyển và xử lý thường cao hơn. Vì vậy, chi phí thực hiện công tác quản lý chất thải rất lớn, dẫn đến tình trạng chỉ ký hợp đồng để hợp lệ thủ tục theo quy định hoặc dẫn đến tần suất thu gom xử lý thực tế lớn hơn 2 ngày/lần, có khi tới 7 - 10 ngày/lần” - ông Mai Trọng Thái cho biết.

Giải pháp nào?

Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng 2025 làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện, triển khai dự án ưu tiên nhằm tăng cường quản lý loại chất thải. Theo đó, đến năm 2020, 100% chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế do TP quản lý có hệ thống xử lý đạt chuẩn ra môi trường; 100% các cơ sở y tế phải có hệ thống phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo quy định... Năm 2025, 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, đề án cũng đưa ra các giải pháp, trong đó, nhấn mạnh việc thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường, đặc biệt là không cấp phép hoạt động đối với các cơ sở y tế lần đầu đi vào hoạt động mà không có phương án xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Được biết, kết quả điều tra, quan trắc 23 mẫu nước thải (trước và sau xử lý) và 3 mẫu bùn thải tại 23 cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, do Sở TN&MT thực hiện, gồm 15 bệnh viện, 2 trung tâm y tế, 6 phòng khám có hệ thống xử lý nước thải cho thấy: Hệ thống xử lý nước thải tại các Trung tâm y tế quận/huyện không vận hành hoặc vận hành kém hiệu quả và xuống cấp. Đối với các bệnh viện thuộc tuyến T.Ư được khảo sát, lấy mẫu, mặc dù hệ thống xử lý nước thải được vận hành liên tục, tuy nhiên hiệu quả xử lý vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu.