Bất chấp Covid-19, 83% doanh nghiệp Đức tiếp tục mở rộng sản xuất đầu tư tại Việt Nam

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 55% doanh nghiệp Đức kỳ vọng hoạt động kinh doanh tích cực hơn trong năm 2022, trong khi 83% dự định sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới.

Niềm tin vào thời gian tới
Theo Kết quả Khảo sát Niềm tin Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam công bố hôm nay (9/11), cộng đồng DN Đức tự tin vào khả năng phục hồi của mình tại Việt Nam trong 12 tháng tới. Họ kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của các hoạt động kinh doanh và đầu tư trong những tháng sắp tới, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại do đại dịch Covid-19.
 83% trong số họ sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới.
Khảo sát tại Việt Nam được thực hiện bởi phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) với sự tham dự của các nhà đầu tư, các DN Đức tại Việt Nam tới từ nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, như công nghiệp/xây dựng (39%), dịch vụ (12%) và thương mại (49%). 42% trong số họ là các doanh nghiệp nhỏ với ít hơn 100 nhân viên, 33% DN Đức tham dự thuộc tầm trung với lượng nhân viên không quá 1.000 người và 25% còn lại là DN lớn với hơn 1.000 nhân viên. 
Trong đó, 55% DN Đức kỳ vọng vào sự phát triển tích cực của mình trong năm 2022. 83% trong số họ sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới. 33% Doanh nghiệp Đức dự định tuyển thêm lao động để phục vụ việc sản xuất và kinh doanh của Doanh nghiệp tại Việt nam.
Vượt qua thách thức
Hơn 18 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại rất nhiều thách thức cho DN Đức tại Việt Nam và trên thế giới. Chỉ số lạc quan của DN về sự phục hồi của nền kinh tế có phần giảm sút so với thời điểm đầu năm 2021: Chỉ có 33% DN Đức tham dự khảo sát tin tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.
Đây cũng là nhận định chung của các DN Đức tại các nước trong khối các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Thái Lan, khi được hỏi về khả năng tăng trưởng kinh tế của các nước ngày trong 12 tháng tới.
 Marko Walde, Trưởng Đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam 
Trên thực tế, những thách thức và khó khăn do tình trạng đại dịch Covid-19 kéo dài đã kìm hãm đà phát triển của DN Đức tại Việt Nam. Việc hạn chế đi lại và những vấn đề về chuỗi cung ứng và logistics đã gây ra nhiều hệ lụy cho DN cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, khiến cho rất nhiều những dự định đầu tư, tái đầu tư hay mở rộng kinh doanh phải tạm dừng hay trì hoãn. Những thách thức khác mà DN Đức phải đối mặt là việc các đơn hàng bị hủy hay nhu cầu của khách hàng giảm mạnh. 
Ngoài những khó khăn do đại dịch mang lại, chính sách kinh tế, giá nguyên vật liệu tăng mạnh và sự thiếu hụt lao động lành nghề là 3 rủi ro kinh doanh hàng đầu của DN Đức tại Việt Nam.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị trước đó về những biện pháp giúp Việt Nam thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, ông Marko Walde, Trưởng Đại diện AHK tại Việt Nam nhấn mạnh, cần tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ ngắn hạn cho các DN như duy trì việc làm, điều chỉnh hệ thống thuế và cung cấp tính thanh khoản, hỗ trợ để ngăn chặn họ đóng cửa hoặc phá sản.
Một số sáng kiến đại diện AHK đề xuất bao gồm triển khai các chiến dịch kích thích kinh tế quy mô địa phương, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách nên đầu tư vào tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang giai đoạn hậu đại dịch, bao gồm tái phân bổ lao động, đào tạo nghề, đào tạo nâng cao kỹ năng; đồng thời ưu tiên mở cửa trước cho các ngành như: Chăm sóc sức khỏe, tiện ích, nông nghiệp, sản xuất, hành chính công và quốc phòng, thông tin và truyền thông và tài chính; dịch vụ bảo hiểm.
Việc thực hiện các chiến dịch truyền thông để khuyến khích thương mại điện tử cũng rất quan trọng, ông Marko nhấn mạnh.
AHK World Business Outlook (AHK WBO) – Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu thuộc cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK).
Kết quả cuộc khảo sát sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển của DN Đức, xu hướng phát triển của DN Đức trong 12 tháng tới, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tuyển dụng cũng như những kỳ vọng của chính nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.