Bầu cử Tổng thống Pháp: Dính bê bối, bà Le Pen tiếp tục tụt hạng

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen – lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) bất ngờ tụt hạng trước các đối thủ.

Đây là kết quả trong cuộc thăm dò mới nhất do hãng BVA thực hiện. Theo kết quả này, có 26% số người được hỏi nghĩ bà Le Pen sẽ thắng trong vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 23/4 tới, giảm 1,5% so với cuộc thăm dò trước đó. Trong khi đó, ứng cử viên tự do Emmanuel Macron – cựu Bộ trưởng Kinh tế vẫn đang tiếp tục đà tăng với 24%.

 Số người ủng hộ bà Le Pen bắt đầu giảm dần.

Còn ứng cử viên Tổng thống Francois Fillon – cựu Thủ tướng Pháp về sau với 19%. Giới quan sát nhận định, cứ theo kết quả trên, ông Fillon nhiều khả năng sẽ không tiến được tới vòng thứ 2 diễn ra vào tháng 5. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, ứng viên Macron nhiều khả năng sẽ đánh bại bà Le Pen ở vòng 2 này với 62% người ủng hộ.

Lý giải về việc người ủng hộ dần quay lưng với lãnh đạo đảng FN, nhiều chuyên gia cho rằng, do người dân tỏ ra nghi ngại trước vụ bê bối lạm dụng quỹ của Liên minh châu Âu (EU) của bà Le Pen. Nhất là trong bối cảnh, mới đây với đa số phiếu ủng hộ, Nghị viện châu Âu đã thông qua quyết định hủy bỏ quyền miễn truy tố của bà Le Pen vì đã chia sẻ những hình ảnh bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hành động “công bố những hình ảnh bạo lực” trong một số trường hợp, có thể dẫn tới án phạt 3 năm tù giam và 75.000 Euro tiền phạt.

Trong diễn biến liên quan tới việc điều tra vụ bê bối lạm dụng quỹ EU, bà Le Pen đã từ chối lệnh điều tra nhắm vào bà vì cho rằng mình đang được hưởng quyền miễn truy tố cho tới khi cuộc bầu cử kết thúc. Nhiều người cho rằng, bà có thể sẽ thua cuộc tại giai đoạn thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, nhưng dường như cuộc chiến pháp lý không làm lung lay tư tưởng của những người ủng hộ.

Trước đó, vào năm 2013, bà Le Pen đã từng bị tước đi quyền miễn trừ truy tố. Năm 2015, bà đã bị truy tố vì tội “kích động sự phân biệt đối xử niềm tin tôn giáo” với hành động so sánh lời nguyện cầu của các tín đồ Hồi giáo và sự chiếm đóng Pháp của Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai.