Belarus "nói mạnh" về khả năng NATO, Nga xung đột quân sự

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 tuyên bố vũ khí hạt nhân của Nga sẽ được triển khai tại Belarus để đáp trả việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Moscow hôm 15/8, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết "rõ ràng" là Nga và Belarus có thể rơi vào xung đột trực tiếp với NATO trong tương lai. Ông Khrenin cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã biến thành "một cuộc đối đầu toàn cầu giữa phương Tây và phương Đông."

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin. Ảnh: RT
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin. Ảnh: RT

Vị quan chức cho rằng dựa trên sự gia tăng chi tiêu vũ khí trên khắp thế giới phương Tây, “kết luận là rõ ràng: khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO trong tương lai trở nên rất rõ ràng”.

“Không phải ngẫu nhiên mà Cộng hòa Belarus coi việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại lãnh thổ của mình là một yếu tố răn đe chiến lược hiệu quả,” Bộ trưởng cho biết thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 tuyên bố vũ khí hạt nhân của Nga sẽ được triển khai tại Belarus để đáp trả việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev. Moscow sẽ chỉ loại bỏ những vũ khí này nếu Mỹ loại bỏ tên lửa hạt nhân khỏi châu Âu và tháo dỡ cơ sở hạ tầng liên quan, quan chức Bộ Ngoại giao Nga Aleksey Polishchuk cho biết vào tháng trước.

Theo RT, phương Tây tuyên bố không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và đã tránh cung cấp một số vũ khí - đặc biệt là máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa - có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, họ đã gửi cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD, trong khi phớt lờ những cảnh báo lặp đi lặp lại của Moscow rằng mọi gói vũ khí tiếp theo sẽ đưa Mỹ và NATO đến gần hơn với sự tham gia xung đột.

Thông qua việc cho phép các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào thường dân Nga, các quốc gia phương Tây đã trở thành "những nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố", Điện Kremlin tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những khẳng định tương tự để mô tả khả năng xung đột, cho rằng đó là một nỗ lực của Mỹ và các đồng minh cấp dưới nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một trật tự thế giới đa cực. Năm ngoái, ông Putin khẳng định, quân đội Nga không chỉ chiến đấu với quân đội Ukraine mà còn “toàn bộ bộ máy quân sự phương Tây”.