Bên trong& bên ngoài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi vừa xem một loạt những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trong nước và dành hẳn một năm nghiên cứu ký họa của Tô Ngọc Vân, tôi không thấy có sự khác biệt nhiều giữa các nghệ sĩ dù cách thức trình bày của họ hoàn toàn khác nhau. Không có nhiều sự khác biệt giữa Tô Ngọc Vân vẽ và những nghệ sĩ ngày nay làm sắp đặt.

Tất nhiên Tô Ngọc Vân đã làm tròn vai họa sĩ của mình với thời đại mà ông sống, còn các nghệ sĩ ngày nay thì chưa. Họ chưa đủ thời gian và khả năng diễn đạt.

 Tôi viếng thăm Phạm Minh Tuấn, xem tranh và vài bức điêu khắc của anh, hóa ra họa sĩ làm điêu khắc cũng thú vị, và nói như chính họa sĩ họ không bị nhốt vào cái gọi là điêu khắc. Trước đây chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau trên sân bóng đá, vẽ là việc riêng của từng người, anh cũng từng làm triển lãm và tôi cũng đã viết một bài giới thiệu. Anh là người yêu nghề, yêu vẽ tranh, nặn tượng, nhưng rất sợ bị phong cách hóa, hay bị định hình bởi một dấu ấn cá nhân của chính mình, rồi không dám thoát khỏi nó.
Tác phẩm của Phạm Minh Tuấn.
Tác phẩm của Phạm Minh Tuấn.
Thời buổi hiện nay đầy ắp những câu chuyện, những bức xúc, những chuyện vui ít buồn nhiều và là người làm nghệ thuật, ai nấy đều không khỏi ưu tư về cuộc sống, điều liên quan đến tương lai của con cái mình, chứ chưa nói đến việc xã hội bên ngoài. Nghệ thuật là mối ưu tư đó và vì thế xấu, đẹp, phong cách nghệ thuật không còn quá quan trọng nếu như nỗi ưu tư chưa được nhận thức bằng nghệ thuật và giải tỏa trong hàng ngày. Nhìn ra ngoài và nhìn vào bên trong mình trở thành chủ đề của Phạm Minh Tuấn những năm gần đây, khi hàng ngày hầu hết chúng ta không sống thật với mình, thì cái bên trong và cái bên ngoài là hoàn toàn khác biệt. Nhiều cái nhìn về một phía, lại từ một phía có nhiều cái nhìn ra khác nhau, bên trong có thể trùng hợp với bên ngoài, hoặc là ngược lại. Sự rắc rối đa diện đó được trình bày bằng một bức tượng với nhiều điểm nối và họa sĩ tìm thấy ở hội họa lập thể sự phân tích và lắp ghép các mảng khác nhau từ một hình thể đổ vỡ, hình thành một trật tự mới. Họa sĩ không theo đuổi một lối vẽ thống nhất nào cả, mỗi bức tranh là một suy nghĩ riêng và đi theo nó trong sự thiếu nhất quán về bút pháp. Tôi cảm nhận sự rời rạc trong các bức tranh và lối vẽ của Phạm Minh Tuấn một sự cố tình, không muốn lặp lại một thói quen có trước. Ông muốn giãi bày mình bằng mọi cách có thể, không quá quan tâm đến hiệu quả bề mặt. Có thể nói là khó nhận xét đánh giá những tác phẩm của họa sĩ theo một chiều hướng nào. Nó lộn xộn hơn ta nghĩ và cũng ngay ngắn hơn ta nghĩ, nó chẳng hài hòa, cũng chẳng đối chọi, nó mang nhiều hành vi của người vẽ hơn là hiệu quả cụ thể của một bức tranh.

Những nghệ sĩ đương đại nói rằng: "Không có nghệ thuật, mà chỉ có nghệ sĩ". Hình như đó là lời của Duchamp, một người mở đường cho nhiều cái đương đại. Cứ thế mà xét thì tác phẩm của nhiều nghệ sĩ bây giờ nói chung, và Phạm Minh Tuấn nói riêng có nhiều điểm mà ta chưa hài lòng, nhưng cái hành vi nghệ thuật và cách đặt vấn đề của ông thật đáng để tâm. Nó băn khoăn và bâng khuâng, trong lối vẽ có vẻ dữ dằn thì thực ra ông rất tỷ mẫn, lãng mạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần