Bệnh hóng hớt!

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, hiếu kỳ được dân gian gọi một cái tên rất chuẩn theo đúng nghĩa đen của từ này - đó là hóng hớt! Phàm có sự vụ gì diễn ra, từ trong nhà ra ngoài phố, từ việc hay đến việc dở (đánh ghen, va chạm giao thông, cháy nhà, chết người, đám cưới to, xe khủng…), đều thu hút được sự tò mò của không ít người hay để ý quan tâm, bình luận.

 Ảnh minh họa
Việc dù hay nhưng qua lăng kính của những người hóng hớt đôi khi cũng trở thành dở. Có một nói lên mười, có mười nói lên thành trăm, mới nghe nói nhưng khi bình phẩm, phát tán thông tin cứ như mình là người chứng kiến. Đưa chuyện là thói xấu, bởi nó đem lại không ít phiền toái trong cuộc sống, nhưng xét cho cùng cũng chưa đến mức độ… cháy nhà chết người. Nhưng sự hóng hớt, hiếu kỳ trước những sự việc chẳng may phát sinh trong cuộc sống hàng ngày đôi khi “góp phần” tăng thêm rủi ro, dẫn đến sự nguy hiểm không đáng có.
Vào chiều 6/11 vừa qua, trên đường Tố Hữu, một thanh niên bị nghi là “ngáo đá” trèo lên cây cột điện. Ở thời buổi hiện nay, “ngáo đá” không là chuyện hiếm, ấy vậy mà đã thu hút hàng trăm người hóng hớt, hiếu kỳ. Người chụp hình, người livestream. Ước tính, số người theo dõi vụ thanh niên “ngáo đá” ấy còn đông hơn cả khán giả ở Giải vô địch bóng đá nữ Quốc gia!
Tuy vào giờ thấp điểm nhưng sự hóng hớt, hiếu kỳ một cách quá đáng này đã làm đường Tố Hữu ùn tắc cục bộ, gây khó cho lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ. Bởi ngoài việc lo cứu thanh niên từ độ cao mấy chục mét, lực lượng chức năng còn phải phân luồng giao thông.
Trong chuyện tiếu lâm xưa, chỉ cần tung ra “chiêu”… lột, Trạng Quỳnh đã dụ được hàng tá kẻ hóng hớt đến… nộp tiền để xem. Nhưng trong thời buổi 4.0 bây giờ, chả cần đến “trạng lột”, chỉ một vụ nữ sinh lột đồ đánh nhau ngoài phố, chắc hẳn sẽ có đám đông hiếu kỳ xúm lại xem và chỉ “sau một nốt nhạc”, những hình ảnh (nếu có) đã tràn ngập mạng xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần