Bệnh lý tâm thần do đại dịch Covid-19: Quan tâm, điều trị kịp thời

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc sống hiện tại tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bệnh lý tâm thần. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 như một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần, cần được điều trị tâm lý kịp thời, đặc biệt sau khi khỏi bệnh Covid-19.

Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh bị rối loạn tâm lý

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng đứng thứ 4 sau các bệnh: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Trên thế giới, hiện có khoảng 400 triệu người bị một trong các rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 20 - 30% dân số, vấn đề sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, nhất là bệnh trầm cảm, tự kỷ ngày càng gia tăng. Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 làm tăng tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mất ngủ từ 31,4% đến 41,1%, tùy triệu chứng. Do đó, WHO cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu  31,9%, căng thẳng 41,9%, rối loạn giấc ngủ 37,9%.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, đại dịch đã tác động đến một số nhóm dễ bị tổn thương là nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân... Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt thời gian qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy những con số đong đếm được như ca mắc, ca nặng, ca tử vong… Thế nhưng còn một thứ vô hình - những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần. Covid-19 làm trầm trọng thêm vấn đề sức khoẻ tâm thần, khiến các ca trầm cảm tăng lên.

“Đặc biệt, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh đã bị rối loạn tâm lý và phải điều trị. Những bệnh nhân tìm gặp bác sĩ có nhiều dạng như ám ảnh sợ không gian hẹp, ám ảnh sợ xã hội, buồn chán, bi quan, tự ti, trí nhớ giảm sút… Có nhiều trường hợp mắc hoảng sợ kịch phát, nếu không đi với người nhà họ sẽ phát hoảng và không làm chủ được bản thân… Không chỉ bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh mà rất nhiều người bình thường cũng cần được điều trị tâm lý trong thời gian phòng chống dịch bệnh, giãn cách, hạn chế tiếp xúc như mất ngủ, nghiện game, nóng nảy, thay đổi tính nết...” – bác sĩ Thảo nhấn mạnh.

Người dân không nên quá lo lắng

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bá Đạt - Giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện này. Không phải lúc nào chúng ta bị bệnh, không phải lúc nào chúng ta gặp rối loạn về mặt tâm lý, xuất hiện triệu chứng bệnh tâm thần mới nên đi gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.  

"Khi chúng ta có những biểu hiện chán nản, mệt mỏi, không làm chủ được hành vi, cảm xúc cũng cần đến công việc tham vấn, trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý để nhận sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Hiện nay, có nhiều nhóm bác sĩ tư vấn miễn phí tâm lý cho các bệnh nhân điều trị khỏi Covid-19 hay ứng dụng khám, điều trị từ xa. Khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, không nên tìm kiếm thông tin không chính thống trên mạng để tự điều trị, kéo dài thời gian dẫn đến tình trạng tâm lý trầm trọng hơn" - TS Nguyễn Bá Đạt khuyến cáo.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc Ứng dụng tâm lý Dr.Psy cho rằng, tại Việt Nam, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần, khiến các ca trầm cảm tăng lên.

Nhiều người mắc rối loạn tâm lý, tâm thần thường áp dụng các bài test tâm lý phổ biến trên mạng mà không qua tư vấn bởi các bác sĩ hay các nhà chuyên môn. Tuy nhiên trong quá trình tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, chuyên gia nhận thấy nhiều người gặp vấn đề tâm lý trong thời gian dài mới tìm đến bác sĩ để điều trị. Có những người gặp vấn đề tâm lý như lo âu, buồn rầu, sợ hãi… kéo dài 1 năm, có người 2 - 3 năm, khi tình trạng nặng, thậm chí có ý định kết thúc cuộc sống mới tìm đến bác sĩ tâm lý để nhờ tư vấn.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe hay tâm lý, người dân thường lên mạng để tìm kiếm thông tin. Trên đó, có thể dễ dàng tìm thấy những biểu hiện, triệu chứng của rối loạn tâm lý. Có rất nhiều bài test tâm lý và cho ra các số liệu về tình trạng bệnh đang ở mức nào. Sau đó nhiều người tự đánh giá theo kết quả của bài test, tự điều trị và tự mua thuốc. Tuy nhiên đây chỉ là những thông tin tham khảo. Để đánh giá tình trạng bệnh cần có lộ trình thăm khám kỹ càng, như hỏi chuyện lâm sàng, quan sát, để đánh giá kết quả bài test có đúng không.

“Để hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người dân trong đại dịch, chúng tôi đã triển khai ứng dụng “Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch” và dự án “Bình thường mới cùng Dr.Psy”. Hai dự án này đã có 6.200 lượt cài đặt ứng dụng và có khoảng 5.600 bệnh nhân được hỗ trợ tư vấn tâm lý miễn phí. Nhờ việc ra đời ứng dụng hỗ trợ tâm lý Dr.Shy đã giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tiếp cận được với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà không cần phải ra khỏi nhà, không còn sợ bị lộ diện” – chuyên gia chia sẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần cho chính mình và những người khác, góp phần ổn định kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và an sinh xã hội, người dân không nên quá lo lắng, cần biết rõ thực tại về Covid-19 và việc cần làm lúc này là mỗi chúng ta hãy tuân thủ các nguyên tắc về phòng chống dịch để bảo vệ cho mình và cộng đồng.

Mỗi người dân cần có một lối sống khoẻ mạnh, hoạt động có ích để có tâm lý tốt, lạc quan, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, hiểu đúng đắn về dấu hiệu, triệu chứng bệnh tâm thần nhằm giúp cho mình cũng như người thân phát hiện kịp thời, sớm đưa người bệnh đến trạm y tế, phòng khám bệnh tâm thần để được giúp đỡ, nhằm đạt mục tiêu “nâng cao chất lượng cuộc sống” cho mọi người trong xã hội.