Bệnh trầm cảm đang lan rộng

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã hội phát triển, con người đối mặt với nhiều áp lực khiến bệnh trầm cảm có xu hướng lan rộng đến các đối tượng, bao gồm cả người già và trẻ em.

Đây là con đường ngắn nhất dẫn đến các hành vi không kiểm soát hay tự tử nếu người mắc bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay đã chọn chủ đề “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện” với mong muốn tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần.

40.000 tự sát mỗi năm do trầm cảm

Theo thống kê của Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 36.000 – 40.000 người tự sát do trầm cảm. Tại đây, chỉ riêng năm 2016 đã khám và điều trị cho gần 19.000 bệnh nhân mắc các triệu chứng bệnh trầm cảm. Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương – phụ trách Viện sức khỏe tâm thần cho biết, mỗi ngày Viện tiếp đón khoảng 50 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm ở các lứa tuổi khác nhau từ vị thành niên cho đến người trên 45 tuổi. “Có tới 36,5% bệnh nhân bị trầm cảm từ tuổi 45 có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Phần lớn các bệnh nhân muốn tự sát do cảm thấy mình bị vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Nhiều trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái phát, khả năng phục hồi giữa các giai đoạn không hoàn toàn”, bác sĩ Phương cho hay.
 Bệnh nhân trầm cảm được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hà Ngân

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng chỉ ra, có tới 10 – 15% dân số bị bệnh trầm cảm. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25 - 55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nguyên nhân gây trầm cảm cũng rất đa dạng. Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên do áp lực thành tích học hành từ phía gia đình khiến bản thân luôn cảm thấy yếu kém, lo lắng, mất ngủ triền miên, hay cáu gắt giận dữ, lâu dần dẫn đến trầm cảm. Hay như trường hợp một nữ sinh 21 tuổi, đang điều trị bệnh trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần do quá buồn chán sau khi chia tay người yêu, bệnh nhân này đã nhiều lần muốn tự tử nhưng được gia đình phát hiện kịp thời. Thậm chí, nhiều vụ án mạng đau lòng đã xảy ra khi mẹ đâm chết con, vợ giết chồng cũng chỉ vì hệ lụy của căn bệnh trầm cảm.

Phối hợp trong điều trị
Sáng nay (7/4), tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hơn 1.000 bao gồm cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia y tế sẽ tham dự lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới. Tại đây, 800 học sinh trong trường sẽ được phát phiếu tự đánh giá sức khỏe và các tờ rơi hướng dẫn phòng, chống trầm cảm.

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, việc điều trị trầm cảm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm còn kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vì vậy, người bệnh thường chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Bên cạnh đó, điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn nhưng chính bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh lại không tuân thủ, bỏ dở điều trị khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng. Theo nghiên cứu của các tổ chức xã hội, chỉ có khoảng 58% bệnh nhân mắc trầm cảm tuân thủ điều trị.

Tuy nhiên, bác sĩ Phương khẳng định, rối loạn trầm cảm hoàn toàn có thể chữa được để bệnh nhân ổn định, tái hòa nhập xã hội. Nhưng trong quá trình điều trị cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ, đồng thời phải có sự phối hợp tốt của tất cả các chuyên khoa và sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân của người bệnh. Ngoài việc nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ, để mắt đến những thay đổi trong hành vi, thái độ, lối sống của người bệnh thì người nhà có thể khuyến khích và cùng người bệnh tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng. Bác sĩ Phương khuyến cáo, người bệnh khi thấy mình mắc các triệu chứng như mất ngủ triền miên, luôn mệt mỏi, chán ăn, sút cân, hay cáu giận, không tập trung suy nghĩ thì nên chủ động đến các chuyên khoa tâm thần thăm khám và điều trị. Bản thân người mắc bệnh cũng cần chủ động giao tiếp với xung quanh khi có các dấu hiệu trên.

5 giải pháp phòng, chống trầm cảm

Bệnh trầm cảm không phải lúc nào cũng cần được trị bằng thuốc men. Thay đổi thói quen sống, lối suy nghĩ, tích cực vận động là những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống căn bệnh này.

Tích cực vận động: Lao động cơ bắp kích thích hoạt động của não bộ và lôi kéo não bộ tham gia một cách linh hoạt và tích cực hơn nhiều so với các biệt dược chống trầm cảm - những cấu trúc hóa học được thiết kế chủ yếu nhằm biến đổi phản ứng hóa học thần kinh đơn lẻ. Trong khi đó, nhiều người đang dành nhiều thời gian trên bàn làm việc và kiếm tiền, không dành thời gian cho các bài tập vận động hay đi bộ. Lối sống “bất động” đó làm cho não bộ trở nên xơ cứng, ngày càng nhận được ít yếu tố kích thích. Hệ quả là nồng độ stress và tâm trạng bất an lớn hơn thường tích tụ và biến thành các triệu chứng trầm cảm. Do vậy, phân phối công việc hợp lý, dành thời gian để vận động bằng cách tham gia các bộ môn thể thao, đi bộ hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội cần sự vận động nhiều sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Luyện tập, dạo bộ ngoài trời: Luyện tập thể thao, đi bộ thường xuyên ngoài trời kích thích cơ thể gia tăng sản xuất endorfin - hoócmôn gây ra cảm giác hạnh phúc. Quá trình tập luyện, đi bộ giúp loại bỏ tình trạng xơ cứng cột sống, căng cơ cổ, tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể và não bộ.

Giao tiếp nhiều hơn: Nói ra những suy nghĩ của mình để có thể nhận được lời khuyên từ người khác, tránh việc “suy nghĩ một mình” rồi cảm thấy bế tắc trong mọi việc. Ngoài ra người đi làm và học sinh sinh viên có thể giảm thời gian lao động trí óc, dành nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, đối thoại với những người xung quanh để cân bằng cuộc sống.

Ăn, ngủ điều độ: Đây là một trong những biện pháp quan trọng để tránh trầm cảm. Nếu ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể không bị mệt mỏi, tinh thần sảng khoái. Không nên ngủ quá nhiều sẽ khiến tinh thần rơi vào trạng thái li bì, không tỉnh táo, cáu gắt. Áp dụng thực đơn nồng độ đường thấp, giàu axit béo omega-3. Hạn chế đồ uống cà phê ngọt, tránh cô sô la, rượu và hạn chế hút thuốc lá. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, mầm lúa mạch và các món chế biến từ cá. Tránh các món nướng, rán và thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

Bổ sung vitamin D: Tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin D dẫn đến tậm trạng u sầu và mệt mỏi kinh niên, tính khí thất thường và khó ngủ. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy: Thiếu hụt hợp chất này có mối liên quan chặt chẽ với trầm cảm. Vậy nên có thể không phải ngẫu nhiên khi trong cùng một thời gian, khi con số những trường hợp nạn nhân trầm cảm gia tăng, vấn đề thiếu hụt vitamin D ngày càng phổ biến. Trong danh sách "những thủ phạm nghi vấn" gây trầm cảm, ngoài tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin D còn có thiếu hụt axít folic và magiê. Vậy nên cần quan tâm, để thực đơn đầy đủ những hợp chất này.

Bác sĩ Lý Trần Tình  Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội