Bệnh viêm da nổi cục lan rộng ở Quảng Ngãi, gần 3.500 con bò mắc bệnh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò đã xuất hiện ở 5 huyện, thành phố của Quảng Ngãi với 3.456 con bò mắc bệnh, trong đó có 106 con chết.

Theo thống kê của mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay toàn tỉnh có 3.456 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC), trong đó có 106 con chết, ước thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng. Bệnh đã xuất hiện ở 5 huyện, thành phố gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi.
 Bệnh VDNC đã xuất hiện ở 5 huyện, thành phố của Quảng Ngãi.
Huyện Bình Sơn là nơi dịch bệnh bùng phát mạnh và có số bò nhiễm bệnh nhiều nhất. Xuất hiện trên địa bàn huyện từ đầu tháng 3/2021, đến nay đã có 22/22 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn có bò bị mắc bệnh VDNC. Tổng số bò trên địa bàn huyện có triệu chứng bệnh là 3.278 con, trong đó có 104 con chết. 
Các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi đều đã xuất hiện bệnh VDNC, trong đó tại TP Quảng Ngãi và Sơn Tịnh đã có bò chết do bệnh này.
Kết quả lấy mẫu gửi Cục Thú y xét nghiệm tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố đều dương tính với virus gây bệnh VDNC trâu, bò.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC trâu, bò, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiến hành triển khai thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch như:  khoanh vùng ổ dịch; cách ly điều trị; khử trùng tiêu độc môi trường vùng dịch; hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên theo dõi, giám sát và báo cáo dịch kịp thời theo quy định.
Đến nay, ngành chức năng đã thực hiện tiêu hủy 106 con bò bị bệnh chết có triệu chứng của bệnh VDNC theo quy định; cách ly điều trị 3.350 con bò mắc bệnh; sử dụng 2.025 lít Iodine, 4.800 lít Benkocid thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tổ chức mua 20.000 liều vaccine từ ngân sách tỉnh để chống dịch.
Tại huyện Bình Sơn, nơi được cho là khởi phát và cũng là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh này, đã mua 25.000 liều vaccine từ ngân sách huyện để triển khai tiêm phòng chống dịch. Ngành nông nghiệp địa phương cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch VDNC theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện một số biện pháp xử lý ổ dịch như: khoanh vùng, cách ly điều trị, nuôi nhốt, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, đặc biệt là ruồi hút máu- nguyên nhân chính làm dịch lây lan; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý gọn ổ dịch còn trong diện hẹp; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo cho Sở NN&PTNT để tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh VDNC trâu, bò xảy ra tại các địa phương ngày càng tăng và có nguy cơ lây lan trên địa bàn toàn tỉnh, Sở  NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, 4 thành phố và các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh VDNC.
Theo Bộ NN&PTNT, virus gây bệnh VDNC là một loại virus mới lây từ Trung Quốc sang Việt Nam, lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 10/2020 tại tỉnh Lạng Sơn và lây lan dần dần ra các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh miền Trung, đến nay đã có 21 tỉnh có dịch. Theo FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc), có nhiều phương thức lây truyền virus nhưng chủ yếu là qua côn trùng chân đốt hút máu như: ruồi, muỗi, ve, mòng.
Trong đó, loài ruồi hút máu có tên khoa học Stomoxys calcitrans là thủ phạm chính. Loài ruồi này có đặc điểm sinh học là sau khi hút máu con bệnh rồi bay đi trong khoảng 100km rồi tiếp tục hút máu con khỏe rồi truyền virus gây bệnh nên làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đây là lý do Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo phải tiêm phòng từ trung tâm ổ dịch ra bán kính 100km.