Bệnh viện Đà Nẵng ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/6, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết vừa ghép thành công thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Theo đó, bệnh nhân may mắn đầu tiên là ông T. R. (SN 1959, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ông R. suy thận mạn giai đoạn cuối, đã chạy thận nhân tạo 4,5 năm. Bệnh nhân nhập viện ngày 11/5 và mổ ngày 28/5. Người cho thận là anh Ngô Thế N. (SN 1992), không cùng huyết thống.
 Bệnh nhân T. R hồi phục sau ghép thận.
Bệnh nhân thứ 2 là anh Trần Thanh L. (SN 1983, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị suy thận giai đoạn cuối, đã chạy thận tạo 10 năm nay.
Anh L. nhập viện ngày 11/5, được cha ruột là ông Trần Thanh H. (SN 1957) cho thận. Ngày 29/5, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép thận cho anh L.
Trước khi phẫu thuật, cả 2 bệnh nhân đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, suy tim, thiếu máu, không đi tiểu được, huyết áp cao.
Theo BS Huỳnh Đức Phát - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức (BV Đà Nẵng), ekip tiến hành phẫu thuật ghép thận cho 2 bệnh nhân gồm những bác sĩ khoa nội thận, thận nhân tạo, gây mê hồi sức, ngoại tiết niệu, huyết học… Các ekip phối hợp nhịp nhàng và thực hiện thành công mỗi ca phẫu thuật sau hơn 6 tiếng đồng hồ. 
Sau khi hoàn thành công việc ghép thận, bệnh nhân được chuyển về hồi sức, được chăm sóc, theo dõi và điều trị.
 Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Trần Thanh L.
Ths.BS Đặng Anh Đào - Trưởng khoa Nội thận - Nội tiết cho biết: Sau hơn 1 tuần thực hiện ghép thận, tình trạng sức khỏe 2 bệnh nhân ổn định, ăn uống được, các thông số và chức năng thận tiến triển tốt, các chỉ số xét nghiệm bình thường, bệnh nhân tiểu được 3 - 4 lít/ngày. Hiện cả 2 bệnh nhân sức khỏe ổn định và đã được xuất viện. 2 người hiến thận tình trạng sức khỏe tốt, chức năng thận bình thường và đã được ra viện trước đó.
Ths.BS Đặng Anh Đào khuyến cáo: Để thận ghép cũng như cơ thể được khỏe mạnh, sau ghép thận, bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, phải uống thường xuyên, đúng liều, đúng thời điểm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không sẽ gây thải ghép, nhiễm trùng, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng khác.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tái khám định kỳ và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ sau ghép; theo dõi xét nghiệm nồng độ thuốc, theo dõi chức năng thận và thăm khám lâm sàng để chắc chắn rằng thận ghép hoạt động bình thường. Bệnh nhân cũng cần thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh như: Chế độ ăn, tập thể dục và giảm cân khi cần thiết để cải thiện một số yếu tố nguy cơ tim mạch, đái tháo đường sau ghép, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
BV Đà Nẵng đã tự chủ hoàn toàn trong việc ghép thận.
TS.BS Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng BV Đà Nẵng cho hay: Từ năm 2015, chương trình ghép thận được tái khởi động tại BV Đà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Đến năm 2018, các ekip của BV đã tự chủ hoàn toàn trong việc ghép thận.
Để đáp ứng nhu cầu ghép tạng tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận ngày càng cao, đề án thành lập Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại BV Đà Nẵng đã được TP Đà Nẵng thông qua với kinh phí trên 495 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích 2.629m2, quy mô 2 tầng hầm, 11 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật, dự kiến khởi công cuối năm 2020. Không chỉ ghép thận, bệnh viện sẽ triển khai cấy ghép tủy, ghép gan trong thời gian tới.