Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Tự chủ thành công với nguồn chất xám đầy nhiệt huyết

Mỹ An - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong số ít những cơ sở y tế thực hiện tự chủ bệnh viện thành công với kết quả rõ nét Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã minh chứng một chân lý: Thành công chỉ đến từ những nỗ lực!

Vững vàng thương hiệu

Trong bối cảnh hiện nay, một số cơ sở y tế rất sợ khi không được “bầu sữa mẹ” là Nhà nước bao cấp. Họ tìm mọi cách “xin” không tự chủ và đưa ra rất nhiều lý do thuyết phục các cơ quan quản lý. Ngược lại, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thực hiện tự chủ dường như là sự kết hợp của “cá và nước”, theo thời gian lớn mạnh và hiện trở thành ngôi nhà khang trang, ấm áp trên nền đất vốn xập xệ, lầy lội.
 
Theo lời PGS. TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, là đơn vị tiên phong trong ngành Y tế Hà Nội thực hiện tự chủ, trước đó không có mô hình thành công nào để học tập, do vậy Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, với sự thông thoáng, tạo điều kiện của Nhà nước về cơ chế, cùng đội ngũ Ban lãnh đạo Bệnh viện có tầm nhìn xa, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm và sự đồng lòng nhất trí của toàn thể cán bộ nhân viên trong Bệnh viện, mô hình tự chủ đã mang lại những kết quả đáng kinh ngạc.

Từ một bệnh viện hoạt động cầm chừng chỉ với 20 tỉ đầu tư của nhà nước mỗi năm, đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn đến nay nhờ tự chủ bệnh viện mà doanh thu của cơ sở mỗi năm đã đặt được 1.500 tỉ đồng.

Con số biết nói đó đã bao hàm trong đó mọi nỗ lực của Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong suốt 10 năm qua và khẳng định tự chủ bệnh viện chính là “xương sống” cho sự tăng trưởng vượt bậc này.
 
Cha ông ta thường nói “có thực mới vực được đạo”, điều đó quả không sai, không chỉ với ngành Y mà với nhiều ngành nghề khác trong xã hội. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho hay, trong bối cảnh khó khăn, kinh phí ít, cán bộ nhân viên y tế không đảm bảo đời sống thì không thể yêu cầu họ phấn đấu, cống hiến, nâng cao tay nghề.

Ngược lại, khi thực hiện tự chủ, Bệnh viện có nguồn thu, nhân viên y tế đảm bảo đời sống, họ yên tâm công tác, cống hiến, sáng tạo, trình độ ngày càng cao đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày khắt khe của người dân.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không có chuyện “cào bằng” mọi công sức và nỗ lực của cán bộ tại đây. Cứ thế, nhân viên nào chăm chỉ, lăn sả với công việc sẽ được ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện bằng thu nhập, bằng việc tạo điều kiện để học tập, nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới.

Từ những “tấm gương sống” ấy mà các cán bộ khác nhìn vào để có động lực phấn đấu. Thời gian qua đi, Bệnh viện Phụ sản đã khơi nguồn được tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, học tập nghiêm túc trong các cán bộ, nhân viên y tế.

“Hiệu quả nhìn thấy ngay được là ngày càng nhiều cán bộ y tế của Bệnh viện có các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín, ngày càng nhiều công trình nghiên cứu khoc học xướng tên các bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh nêu.
 
Do đặc trưng là cơ sở y tế chữa bệnh cứu người nên yêu cầu về tay nghề, trình độ của cán bộ được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Với cơ chế trả lương tương xứng với trình độ, nhiều “bàn tay vàng” trong ngành Sản khoa đã tìm tới bệnh viện, coi đây là ngôi nhà chung để phấn đấu, cống hiến.

“Ngược lại với tình trạng “chảy máu chất xám” tại một số cơ sở y tế công lập, những năm gần đây Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút rất nhiều nhân lực chất lượng cao”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nêu.

Từ nguồn thu lớn, theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Bệnh viện có thêm điều kiện đầu tư máy móc hiện đại nhất thế giới, có máy trị giá hàng chục tỉ đồng, hay phòng mổ vô khuẩn đạt chuẩn châu Âu để thực hiện các ca can thiệp bào thai nhân văn, giúp hồi sinh nhiều ca bệnh khó, hoàn thiện giấc mơ làm cha mẹ của một số ông bố, bà mẹ kém may mắn.

Còn đó trăn trở

Như đã phân tích từ đầu bài viết, tự chủ bệnh viện hầu như chưa có mô hình nào thành công để các cơ sở y tế khác học tập, làm theo, Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn trong tình trạng vừa làm, vừa học, do vậy khó tránh được những ý kiến chưa thấu hiểu.

Trong hành trình phát triển, để nâng cao chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế một cách minh bạch, công khai. Tuy nhiên, vừa qua có ý kiến chưa thấu hiểu cho rằng, một số gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế có mức giá trúng thầu sát với giá kế hoạch, một đơn vị trúng đến 3- 4 gói thầu…

Chia sẻ với phóng viên về điều này, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, đây là những gói thầu được tổ chức qua mạng, giá kế hoạch công khai, minh bạch.

Theo đó, dưới sự tư vấn của chuyên gia luật, Bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình, không sai quy định pháp luật, giá trúng thầu thấp hơn, thậm chí bằng giá kế hoạch.

Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, các gói thầu này Bệnh viện đều mua bằng chính nguồn thu nội tại, không có bất kỳ lợi ích nhóm.

“Mục đích cuối cùng của Bệnh viện là hướng tới phục vụ, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Điều này đã được thể hiện rất rõ nhiều năm qua khi lượng bệnh nhân, sản phụ tìm tới, trao gửi niềm tin khám chữa bệnh ngày càng tăng”, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ thêm.

Đối với 6 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế có mức giá trúng thầu sát với giá kế hoạch, phần chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá kế hoạch (khoản tiết kiệm sau đấu thầu- PV) khá “khiêm tốn”, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản lý giải thêm, giá kế hoạch được Bệnh viện xây dựng trên cơ sở tham khảo giá đấu thầu tập trung, giá trên các cổng thông tin và giá của một số nhà cung cấp và mức giá này đã được cơ quan chức năng thẩm định.

“Do công khai toàn bộ giá trên mạng, nên các doanh nghiệp sẽ biết Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ mua với giá cao nhất là mức đó, cao hơn Bệnh viện sẽ không mua. Vì vậy, một số doanh nghiệp lớn đã đưa ra mức giá chỉ thấp hơn giá kế hoạch rất ít, thậm chí bằng giá kế hoạch để trúng thầu”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh lý giải.

Với những ý kiến còn “lăn tăn” về tính minh bạch của quy trình đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định, Bệnh viện thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về đấu thầu.

“Và thực tế chúng tôi đã mua sắm vật tư, trang thiết bị với giá rẻ hơn giá kế hoạch, tiết kiệm kinh phí cho Bệnh viện”, lãnh đạo Bênh viện Phụ sản Hà Nội thông tin thêm.

Liên quan đến thông tin cho rằng, có cá nhân đứng tên trong hồ sơ thầu mà không phải doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh lý giải, từ năm 2016 đến 9/2019, việc mua sắm trang thiết bị của Bệnh viện đều qua Trung tâm mua sắm công của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2019 đến nay, theo quy định mới, Bệnh viện phải tự mua sắm trang thiết bị. Và năm 2020 là năm đầu tiên Bệnh viện triển khai đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trên mạng nên có một số điểm gây hiểu lầm.

Chẳng hạn, nhà thầu không lấy tên doanh nghiệp mà đăng ký tên giám đốc trên mạng và tham gia gói thầu. Tuy nhiên, trước khi đưa lên mạng, toàn bộ các bước và hồ sơ thầu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều đã được kiểm duyệt bởi các cơ quan chức năng của nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp và minh bạch. Vì vậy, Giám đốc đứng tên gói thầu không sai vì họ có mã số thuế, có đăng ký doanh nghiệp, do vậy họ là đơn vị có tư cách pháp nhân.

“Nhà thầu phải đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế và Bệnh viện không mua bán hàng với bất kỳ một đơn vị nào mà không có tư cách pháp nhân”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định một lần nữa.

Không riêng Bệnh viện phụ sản Hà Nội mà nói chung với những cơ sở y tế, chuyên về chữa bệnh cứu người, những câu hỏi, khúc mắc được đặt ra trong quá trình vận hành một bệnh viện với hàng nghìn người và hàng trăm việc liên quan tới nội vụ như đấu thầu, mua sắm, quản trị... những ý kiến trái chiều là điều dể hiểu.

Tuy nhiên, ai đó đã từng nói rằng, đấu tranh là nguồn gốc của phát triển. Với những thành tích vượt bậc đạt được thời gian qua nhờ tự chủ bệnh viện, cùng với đội ngũ lãnh đạo nhiều tâm huyết; sự đoàn kết, đồng lòng của hơn 1.000 cán bộ nhân viên y tế nơi đây chúng ta có quyền kỳ vọng vào một bệnh viện công chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”.