Bi hài tiền ảo mua hàng thật: Cơ hội là thật hay ảo?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đang xác minh hơn 1.500 người tiên phong tham gia cộng đồng tiền ảo Pi tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cơ quan chức năng khẳng định, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.

Công an xác minh sự kiện tiền ảo "Việt Nam GCV 314.159 USD"

Trước đó, sáng 25/6, tại nhà hàng Dabaco Từ Sơn, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hơn 1.500 người đã tham gia buổi gặp mặt trực tiếp (offline) với chủ đề: "Việt Nam GCV 314.159 USD Event" để bàn về về giá cho Pi – cùng tuyên bố giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỷ đồng, tương đương 314.159 USD.

Một buổi offline của một cộng đồng tiền ảo Pi tại Từ Sơn, Bắc Ninh
Một buổi offline của một cộng đồng tiền ảo Pi tại Từ Sơn, Bắc Ninh

Buổi offline của cộng đồng tiền ảo Pi này đã được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội từ hơn 1 tháng trước. Để tham dự "Việt Nam GCV 314.159$ Event", người tham gia phải đặt chỗ và mua vé với giá 390.000 đồng và phải mua đồng phục màu tím, có in logo để mặc. Tính ra, tổng chi phí tốn gần 1 triệu đồng. Người tham gia cũng có thể liên hệ đăng ký gian hàng giá trị đồng thuận toàn cầu (GCV).

Tại sự kiện, một số mặt hàng có giá trị như: Xe máy, tivi, máy giặt, tủ lạnh… đã được các thành viên trong Ban tổ chức cũng như những người đào Pi tiên phong mang đến để trao đổi, đồng thuận giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỷ đồng, tương đương 314.159 USD.

Thời gian qua, nhiều hội nhóm mua bán, trao đổi Pi (tiền ảo, tiền kỹ thuật số của Pi Network) trên mạng xã hội thi nhau khoe chuyên dùng Pi để trao đổi, mua bán được những thứ rất giá trị. Nó khiến cộng đồng đào Pi tại Việt Nam lên cơn sốt…

Trong các hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... các thành viên định giá Pi kiểu “tùy duyên” hay dựa trên sự đồng thuận, không có một khung nào cả. Các vật phẩm được đổi rất nhiều chủng loại. Nào là nước hoa, túi xách, son môi, đồng hồ, thuốc các loại, rồi hoa sen đá, hàng mỹ nghệ phong thủy. Thậm chí, có cả sách giáo khoa cũ, giày dép đã qua sử dụng... Nói chung là chổi cùn rế rách đều được mang lên sàn để đổi lấy Pi. Song “ảo” nhất là một số thành viên trong group “Cộng đồng Pi...” hô hào rằng sẽ chỉ “đồng thuận” 1 Pi bằng... 314.159 USD.

Giao dịch bằng tiền ảo Pi là vi phạm pháp luật

Pi Network ra đời đầu năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam từ 2021, được quảng cáo là “sở hữu tiền ảo mà không mất gì”. Người dùng sau khi tải ứng dụng thì chỉ cần một động tác rất đơn giản là hằng ngày mở app rồi bấm vào “tia sét” (điểm danh) là Pi đã được đào và tăng lên hằng ngày. Đồng thời, nếu người dùng giới thiệu thêm được thành viên vào mạng lưới, số Pi đào được sẽ tăng rất nhanh.

Ứng dụng Pi Network được sử dụng để "đào" đồng Pi Coin
Ứng dụng Pi Network được sử dụng để "đào" đồng Pi Coin

Trong năm đó, đội ngũ phát triển tuyên bố khởi chạy mainnet để người dùng có thể giao dịch. Đến ngày 28/12/2021, nhóm công bố thực hiện mainnet, nhưng thực tế không có bất cứ thay đổi nào ngoài việc bổ sung ví Pi Mainnet. Sau đó, nhóm tiếp tục trì hoãn bằng cách chia hai giai đoạn "mainnet kín" và "mainet mở". Tuy nhiên, những gì nhóm làm chỉ gói gọn trong việc cho người người tham gia trao đổi với nhau "dựa trên sự đồng thuận", tức tự thỏa thuận về giá Pi.

Theo chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu, người đào Pi đang bị mất thông tin cá nhân, mất công sức để lôi kéo người khác cùng đào trong khi người tạo ra tiền Pi đang ngồi không, hưởng tiền quảng cáo.

Anh Thành, một dân đào tiền Pi cho biết, mọi thứ được được đưa lên trao đổi. Song, chỉ một vài phút là chủ topic dừng giao dịch vì đã “trade” xong (tạm hiểu là đã giao dịch xong). Bởi thế, dù đang có nhiều Pi trong tài khoản mà Thành vẫn chưa đổi được gì.

Dù chưa thấy lợi ích ở đâu song thời gian qua hoạt động khai thác, trao đổi đồng Pi đã gây ra không ít những hậu quả rất nặng nề cho những nhà đầu tư. Nhẹ thì mất thời gian, mua bực vào người vì một số cửa hàng tuyên bố đồng ý giao dịch bằng Pi. Song, thực chất chỉ là tạo sóng để kéo thêm nhiều khách hàng, Pi gần như không có giá trị. Nặng thì có người mất tiền, người dính vòng lao lý.

Cuối năm ngoái, cộng đồng Pi Network như được thắp lên hy vọng khi tiền ảo này xuất hiện trên một số sàn giao dịch. Nhưng trái với kỳ vọng, đồng Pi được niêm yết thực chất do các sàn tự tạo ra theo hình thức ghi nợ IOU (I Owe You). Có nghĩa, sàn sẽ niêm yết một đồng tiền số từ trước để người dùng có thể giao dịch, sau đó sẽ trả bằng đồng thật khi dự án phát hành chính thức.

Giới chuyên gia cảnh báo, Pi thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. Ngoài ra, việc giao dịch loại tiền ảo này cũng không được phép và vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định số 80/2016/NĐ/CP bổ sung cho nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, các phương tiện thanh toán có thể sử dụng gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương thức thanh toán không có trong danh sách trên sẽ không hợp pháp tại Việt Nam.

Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cập nhật năm 2021 cũng nêu rõ, những người “phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.