Bí thư Hoàng Trung Hải: “Quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm khu vực và thế giới”

Nguyễn Văn Cảnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu to lớn, tiếp tục khẳng định là Thủ đô trung tâm chính trị và kinh tế đầu tàu của cả nước. Tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm đều đạt và vượt ở mức cao, có thể nói Thủ đô đang vững tin bước vào năm 2018.

Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những vấn đề liên quan.
Giải quyết những vấn đề cấp bách, hướng về cơ sở
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ cảm nhận về năm qua?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nói về cảm nhận, chắc có lẽ rất nhiều cung bậc, giữa những mặt đạt được, cũng như nhiều khó khăn, thách thức, bất cập và hạn chế đan xen, tiếp diễn. Tập thể lãnh đạo Đảng bộ thành phố luôn trăn trở với những đòi hỏi đặt ra.
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm về nhiều mặt, nên khối lượng công việc khổng lồ, nhiều việc khó, việc lớn, việc tồn đọng đang cần phải làm. Đặc biệt, những năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ, nhiều chương trình, mục tiêu bắt đầu khởi động, cả bộ máy quyết tâm cao độ, có lúc căng sức, nhằm về đích đúng kế hoạch.
Nhưng hãy để những con số cụ thể nói lên điều đó: Năm 2017, Hà Nội có 20/20 chỉ tiêu hoàn thành; trong đó có 7 chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
PV: Với cương vị là người đứng đầu Thủ đô, thời gian đầu nhiệm kỳ, đồng chí quan tâm nhất vấn đề gì?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Ở mỗi lĩnh vực công việc đều có cái khó riêng, nhưng ở địa phương, nhất là đô thị lớn, lại là Thủ đô thì luôn có những đặc thù khác biệt, đòi hỏi phải sâu sát, nắm bắt kịp thời, để từ đó có những quyết sách hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố dành nhiều thời gian quan tâm cơ sở, riêng tôi cũng trực tiếp xuống tận nhiều xã, phường, đã làm việc với với tất cả 30 quận, huyện và các sở ngành để nắm bắt vấn đề.
Qua đó cho thấy, vẫn còn những nơi thực hiện các chương trình, mục tiêu, chủ trương, chính sách của thành phố chưa bài bản, đồng đều; hoặc chưa đồng bộ, công bằng giữa các địa phương. Nhiều nơi rất năng động, sáng tạo, tự chủ để vươn lên, nhưng cũng có chỗ còn bị động, trông chờ, ỉ lại. Và đặc biệt, vẫn có những vấn đề, những dự án cấp bách chưa được thành phố giải quyết kịp thời hoặc đầu tư có nơi dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, chưa phát huy tốt nhất hiệu quả.
PV: Vậy, thành phố đang nỗ lực làm gì để hạn chế những bất cập nêu trên, thưa đồng chí?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Có thể đánh giá, năm qua toàn hệ thống chính trị Thủ đô đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Trước những bất cập nêu ra, thành phố yêu cầu các địa phương giải quyết một cách cao độ nhất, trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và có báo cáo thường xuyên, kịp thời, tránh tình trạng chung chung. Từ những việc làm có thế đánh giá, phân định rõ năng lực từng cán bộ, lãnh đạo và địa phương.
Toàn thành phố đã giải quyết xong trên 80 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài 200 vụ việc theo thống kê của thành phố, 30/30 quận, huyện, thị xã đã rà soát tình hình các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn để chủ động khắc phục, giải quyết xong trên 120 vụ việc. Không những quyết liệt giải quyết việc nổi cộm, mà các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế, xã hội được các quận, huyện hoàn thành rất tốt.
PV: Về lĩnh vực nông thôn mới, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, có nhiều huyện, xã còn nghèo, vậy thành phố đã có sự quan tâm thế nào?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thành phố tập trung nhiều nguồn lực, cũng như luôn quan tâm chỉ đạo để phát triển và rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Nhiều xã, huyện được đầu gấp nhiều lần, cơ sở hạ tầng được nâng lên đáng kể, tạo ra được các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, thu nhập trên đơn vị diện tích có nhiều vùng đạt tiền tỷ, không những tăng thu nhập cho nông dân, mà phục vụ tốt nông sản, hạn chế nhập khẩu trôi nổi vào địa bàn chi phí tăng cao, chất lượng không đảm bảo. Các hợp tác xã kiểu mới đã hình thành, hoạt động sản xuất, dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, tạo sức cạnh tranh tốt.
Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước, có thêm 2 huyện và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chấn chỉnh việc “nóng”, quyết tâm cải cách hành chính công
PV: Đồng chí đã từng nghe câu nói ví von: “Hà Nội không vội được đâu”?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Quả thực, đây là câu nói rất đời thường, những thực thực tế cũng có cái đúng và cần suy ngẫm, vì người dân muốn được giải quyết nhanh chóng, nhưng cán bộ đủng đỉnh, chính quyền còn chậm trễ.
Tôi đã từng chia sẻ điều này tại hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố, để muốn nói về thực trạng hành chính hiện nay; đồng thời nêu cao quyết tâm xóa được cụm từ này. Song hành với đó, thành phố thực hiện rất nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó ưu tiên đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất, đã chuẩn bị lộ trình xây dựng thành phố thông minh, nhằm điều hành, giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhân dân thuận tiện. Chẳng hạn, ngành thuế, hải quan, tài nguyên môi trường, là lĩnh vực rất nhạy cảm đã được cải tiến mạnh mẽ, phần lớn các thủ tục đều được rút ngắn và kê khai qua mạng.
Để tinh gọn bộ máy, làm việc hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí, thành phố đã sắp xếp xong tổ chức bộ máy của 22 sở và tương đương, các phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; chấm dứt tổ chức hoạt động của Hội nông dân cấp quận, phường tại một số quận; giảm số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan thành phố và quận, huyện, thị xã từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (giảm 30,2%). Hà Nội cũng hoàn thành việc sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tinh giản được 1.267 biên chế. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động chất lượng, hiệu quả.
Thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính 2017”, thành phố đã tạo chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả phục vụ của các cơ quan hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố đã tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính (Pax Index) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 ) bậc. Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ với 100 xã, phường, thị trấn. Hà Nội đã bước đầu xoá bỏ định kiến “Hà Nội không vội được đâu” bằng tinh thần “Hà Nội, không vội không xong”. UBND thành phố cũng có nhiều đổi mới và vào cuộc quyết liệt.
PV: Vấn đề giao thông, trật tự luôn nhức nhối và được người dân quan tâm. Vậy đồng chí có thể cho biết những giải pháp đã thực hiện để tránh ách tắc, lấn chiếm vỉa hè..?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Với một thành phố khá đông dân cư, nhiều người tham gia lao động, học tập, kinh doanh, buôn bán đã giúp cho đô thị Thủ đô thêm phong phú, sôi động, nhưng cũng đối mặt với hệ lụy “chiếc áo” quá tải, đường phố chật hẹp, tình trạng tắc nghẽn, lấn chiếm vỉa hè luôn diễn ra, đang là vấn đề trăn trở mà lãnh đạo Thành ủy phải tìm các giải pháp hữu hiệu.
Thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện xe cá nhân tầm nhìn xa; tăng cường vận chuyển hành khách công cộng, mở nhiều tuyến xe buýt thường và xe buýt nhanh BRT kết nối giao thông nội đô và ngoài đô; quản lý chặt chẽ, tạo sự công bằng giữa xe tắc xi truyền thống và xe Uber, Grab; xây dựng giá giữ xe hợp lý, giữ xe bằng công nghệ Iparking theo hướng thu lũy tiến nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người gửi, đồng thời đóng góp kinh phí cho ngân sách.
Hà Nội đã tập trung đẩy nhanh xây dựng, giải phóng mặt bằng những tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm nhằm lưu thông phương tiện trong thành phố và kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh, thành vệ tinh. Bên cạnh đó, nhiều cây cầu vượt nhẹ được hoàn thành, nên tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội đã giải quyết rất đáng kể.
Cần đồng lòng, vượt qua mọi thách thức
PV: Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, đồng chí Bí thư Thành ủy có những chia sẻ, nhắn nhủ với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu tròn 10 năm “điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”; năm đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Năm 2018, thành phố đã chọn chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra vô cùng quan trọng và to lớn; làm sao để tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh và nhiệm vụ đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, chớp lấy thời cơ, thuận lợi, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân, cả hệ thống chính trị, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính lớn của cả nước, từng bước hiện đại, sánh vai cùng các đô thị trong khu vực và thế giới.
Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018 đến gần, kính chúc toàn thể nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm, gia đình an khang thịnh vượng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!