Biển Đông: “Bắt mạch” diễn biến mới

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biển Đông lại nóng lên vì loạt hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trong suốt tháng qua, dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế do lo ngại về các mục đích sâu xa mà Bắc Kinh có thể đang nhắm đến tại vùng biển tranh chấp. Giới quan sát và học giả quốc tế đã có những nhận định về diễn biến hiện nay, cảnh báo khu vực về một vòng xoáy đối kháng phức tạp.

Trên biển: Trung Quốc “kiểm tra” Philippines?
Diễn biến bắt đầu từ tranh cãi giữa Manila và Bắc Kinh về sự hiện diện bất thường của hơn 200 tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (một rạn san hô) trên Biển Đông của Việt Nam đã gây nên lo ngại rằng Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực kiểm soát vùng biển tranh chấp.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 23/3 cho thấy các tàu Trung Quốc đang neo tại đảo đá Ba Đầu trên Biển Đông. Ảnh: AFP-Maxar Technologies
Collin Koh - một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho biết, ông nghi ngờ những con tàu không phải là tàu đánh cá thông thường, và chúng là một thách thức đối với Manila. “Nếu có một tiền đồn giả định trên bãi đá ngầm này, nó sẽ giúp tăng cường kiểm soát trên thực địa”, ông Koh nói, lưu ý vị trí của nó đang kết nối khoảng cách đáng kể giữa 2 rạn san hô Fiery Cross và Mischief (tương ứng theo tuyên bố chủ quyền của Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn) - nơi có 2 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa phi pháp tại quần đảo Trường Sa trong những năm qua. Từ đó, vị chuyên gia nhận định: “Có khả năng nhóm tàu này có thể được điều động để kiểm tra quyết tâm và hành động của Philippines, và sâu xa là của người Mỹ. Liệu Philippines có hành động, và nó sẽ dẫn đến hậu quả gì?”.
Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr cho biết, Hiệp ước quốc phòng với Mỹ, được ký kết năm 1951 quy định rằng Manila và Washington sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong 2 bên bị tấn công. Phía Mỹ hôm 23/3 cho biết nước này ủng hộ Philippines trong mâu thuẫn nhất trên biển với Bắc Kinh, đồng thời cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để "khiêu khích và bắt nạt các quốc gia khác, làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Chen Xiangmiao tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, Manila lần này có thể sẽ phải chịu áp lực ngay trong nội bộ quốc gia để có một đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người sẽ không thể tái tranh cử vào năm tới do Hiến pháp quy định - phần lớn đã tránh đối đầu với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng ông Duterte được cho sẽ thay đổi lập trường đó để giúp người kế nhiệm mà ông ủng hộ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Philippines, chống lại những đối thủ ủng hộ đường lối dân túy hơn. “Tôi nghĩ rõ ràng là có những cân nhắc phức tạp trong chính trị nội địa Philippines về vấn đề Biển Đông, một trong số đó là đặt ra chương trình nghị sự chính trị cho phe của ông Duterte và đặt ra những trở ngại cho quan hệ Philippines - Trung Quốc. Đó là lợi ích của một số phe phái trong Philippines, cũng như đồng minh Mỹ của họ” - chuyên gia Chen nói.

Trên bờ: Đông Nam Á cảnh giác

Yu Zhirong - Phó tổng thư ký Hiệp hội Thái Bình Dương của Trung Quốc nhận định, các cuộc gặp được lên kế hoạch có thể là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “thu hút và trấn an các nước trong khu vực”, giữa bối cảnh sự phối hợp chính trị và ngoại giao khởi sắc hơn giữa Bộ tứ QUAD, và đặc biệt là sau những phản đối đối với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc - cho phép lực lượng tuần tra nổ súng vào tàu nước ngoài. Đầu tháng này, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ảo với các nhà lãnh đạo của các thành viên khác của QUAD gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, trong đó vấn đề Biển Đông là một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự. Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Indonesia mới đây, 2 nước này cũng đã nhất trí phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng khu vực. Điều này - theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi - sẽ bao gồm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước và tổ chức tập trận chung ở Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Collin Koh cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ vẫn cảnh giác để tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ - Trung, cố gắng không để trở nên quá thiên lệch về một trong hai bên. “Mặc dù với những cam kết gần đây của Tổng thống Biden, sự hiện diện quân sự, kinh tế và ngoại giao của Mỹ có thể được hoan nghênh như một đối trọng chống lại Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, nhưng vẫn có những giới hạn rõ ràng ngay trong cả những quan hệ đồng minh” - ông Koh nói, đề cập đến những nỗ lực của chính Manila trong thời gian qua nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt là giữa bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, “ngoại giao đại dịch”.

Cũng theo vị chuyên gia, các nước trong khu vực, ví dụ như trường hợp của Indonesia, đang cảnh giác trong những liên kết song phương với Mỹ hoặc Trung Quốc, thay vào đó là vun đắp mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các cường quốc khác, ví dụ như Nhật Bản. “Và chính việc bao gồm các cường quốc bên ngoài khác - những nước có liên kết an ninh chặt chẽ với Mỹ - lại góp phần tạo nên một tổng thể đối kháng song phương với Bắc Kinh” - ông Collin Koh nói, dự báo về tình thế bất lợi cho Trung Quốc tại khu vực trong thời gian tới.