Người dự hội cuồng tín một cách mù quáng, người tổ chức lợi dụng niềm tin để thu lợi. Những nét văn hóa truyền thống từ phát lộc đầu Xuân, khai ấn hướng đến những mong muốn tươi đẹp bỗng bị đẩy lên thành nghi lễ chính, đẩy cơn khát tín ngưỡng thành cao trào mà chưa có biện pháp giải quyết.
Bài 1: Lan truyền hiện tượng cuồng tín
Không chỉ còn một nơi phát ấn, mỗi năm lễ hội có nghi lễ phát ấn lại "nở ra" từ Nam Định rồi đến Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng. Phát lộc chuyển thành cướp lộc, diễn ra cả ở nơi có tồn tại trong truyền thống lễ hội đến nơi mới nảy sinh. Những biến tướng trong lễ hội không chỉ còn dừng lại trong hành động của người dân mà cả người tổ chức, người tu hành.
Đua nhau cướp lộc
Khi Tết Nguyên đán đã qua, tranh thủ những ngày đầu Xuân, người Việt bắt đầu đi lễ chùa, đi hội Xuân với ước vọng cầu xin cho năm mới nhiều sức khỏe, tài lộc… Hầu như, tất cả những gì có thể xin được từ đình, đền, phủ, chùa, người ta đều kêu cầu trước cửa Phật, thánh, thần. Đặc biệt, những vật biểu tượng trong lễ hội như hoa tre, manh chiếu, quả chúi, quả phết… sau khi chấp lễ trở thành vật tranh cướp của hàng ngàn người. Chính vì vậy, khởi đầu mùa hội năm 2017, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc ở Hội Gióng Sóc Sơn, ném lộc phản cảm của sư ông ở chùa Hương. Đặc biệt, Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) nổi bật với hình ảnh vỡ trận khi 100 bảo vệ đã phải "đầu hàng" bỏ vị trí để đám thanh niên cởi trần, lội bùn, lội ruộng, xâu xé giành cho được quả phết với tâm niệm được sở hữu những vật phẩm này thì may mắn, tài lộc sẽ theo về nhà.
Ai cũng cố gắng tìm mọi cách để sở hữu vật may trong lễ hội. Cũng từ đó xảy ra tình trạng tranh cướp, xô đẩy, chen lấn nhau. Tuy chưa đến mức thương vong, nhưng đã xảy ra tình trạng tranh giành, xô đẩy để xin đồ cúng lễ tại các lễ hội, chùa chiền, biến nơi linh thiêng thành phản cảm. Hiện tượng này ngày càng "bùng nổ" khiến Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng với ngành văn hóa, yêu cầu sớm chấn chỉnh.
10 năm chưa thể "giải thiêng"
37 vạn ấn được phát ra cho người dân trong 2 ngày diễn ra lễ hội đền Trần Nam Định năm 2017 vẫn khiến người ta giật mình, dù đây không phải là số lượng ấn lần đầu phát ra. Nhưng rõ ràng, sau bao nỗ lực "giải thiêng" của các nhà khoa học, đã hơn 10 năm qua, mỗi năm gần 100 vạn người vẫn cuồng tín, chen lấn xin cho bằng được lá ấn. TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ thông tin có hiện tượng đóng xe container chở các lá ấn vào phía Nam để bán cho những tín đồ. Điều đáng nói nhất là lễ hội đền Trần được thổi phồng và nâng cấp trong hơn chục năm trở lại đây, dẫn đến sự "ăn theo" của nhiều đền Trần ở Thái Bình, Hà Nam , Nghệ An, Hải Phòng.
Năm 2011, không ngoài hàm ý thu hút người dự hội, Ban tổ chức lễ hội đền Trần (Thái Bình) đã thực hiện một cuộc gặp gỡ nhiều đơn vị truyền thông để trao đổi những thông tin chứng tỏ đây là nơi phát tích và còn lưu giữ hài cốt các bậc tổ tiên vua Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa cũng như mộ phần của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Thái sư Trần Thủ Độ... Cùng năm đó, Ban tổ chức đền Trần (Thái Bình) cũng tổ chức lễ phát ấn vào ngày 13 tháng Giêng (trước lễ khai ấn đền Trần Nam Định một ngày). Tuy nhiên, chỉ một năm tổ chức, lễ khai ấn và phát ấn ở Thái Bình đã bị dừng vì những lùm xùm quanh ấn giả, công tác tổ chức nhếch nhác, có phần không đúng với lịch sử.
Không chỉ ở các tỉnh, thành, mà ngay cả ở Hà Nội, năm 2016, Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cũng đã thử nghiệm lễ khai ấn ngay tại khu vực được cho là điện Kính Thiên trước kia. Người ta không biết năm đó, bao nhiêu lá ấn mang tên “Sắc mệnh chi bảo” được phát ra. Chỉ biết rằng, ngay buổi lễ thử nghiệm này, từ những người đứng đầu ngành nghiên cứu khoa học Việt Nam như GS Phan Huy Lê, GS Lưu Trần Tiêu, PGS.TS Tống Trung Tín…, đến các gương mặt nghiên cứu Hán Nôm trẻ đã phải cùng ngồi lại tranh luận và đưa ra luận điểm cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa về “Sắc mệnh chi bảo”, rồi mới quyết định thực hiện hay không thực hiện nghi lễ khai ấn đầu năm tại đây. Mới đây, đầu năm 2017, trong dịp khai bút của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, xen kẽ cả hình thức khai ấn và khai bút. GS Trần Lâm Biền nhận định nghi lễ này "Tây không ra Tây, mà ta cũng không ra ta". Đó là chưa kể, những tranh luận không ngừng về những chữ Hán viết đúng, viết sai trong chiếc ấn.
Mức độ, quy mô và sự phức tạp của lễ hội đang ngày càng được đẩy lên thành cao trào. Hai từ “truyền thống” của lễ hội vì thế cũng đang ảnh hưởng ít nhiều, khiến nhà quản lý và nhà khoa học lại một lần nữa cần ngồi lại lần tìm hiểu những nghi lễ nào thuộc truyền thống, nghi lễ nào mới phát sinh để từ đó tìm ra biện pháp hữu hiệu xóa bỏ sự cuồng tín, chấn chỉnh hiện tượng trục lợi lễ hội. (còn nữa)
Nhiều địa phương núp đằng sau danh từ lễ hội, nghi lễ truyền thống biến nó thành công cụ để vừa đạt được mục đích kinh tế, lại vừa mở rộng tầm ảnh hưởng của địa phương. PGS.TS Nguyễn Văn Huy Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa Cướp lộc - biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi, nên nhiều người giành giật, tranh cướp, dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi thờ tự. Bà Trịnh Thị Thủy Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL Bộ VHTT&DL thừa nhận những hiện tượng phản cảm trong lễ hội Chiều 15/2, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có Văn bản số 515/BVHTTDL-VHCS chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, Bộ VHTT&DL đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Công văn thừa nhận việc quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm như: Chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội cướp Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), hội, lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại một số địa phương như: Yên Bái, Tuyên Quang…; khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa; một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ VHTT&DL yêu cầu các địa phương không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc, không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi, không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các địa phương cũng cần quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị quản lý cần có biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, bố trí khu vực dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội, không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực; thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, ATTP, VSMT, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, ATGT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Thanh Khánh ghi |