Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến tướng lễ hội: Tín ngưỡng hay cuồng tín?

Linh Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Sau 3 tuần im lặng, Bộ VHTT&DL mới chính thức có văn bản "điểm danh" những lễ hội phản cảm.

Trong đó không thể ngoại trừ những hiện tượng chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội), phát lộc, tranh cướp lộc tại chùa Hương (Hà Nội), tranh cướp bạo lực tại Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) và cả lễ khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An. Các nhà nghiên cứu nhiều năm gắn bó, lăn lộn với lễ hội đã "giải mã" rất sáng tỏ những hành động phản cảm này.
Bài 1: Biến tướng lễ hội: Tín ngưỡng hay cuồng tín?
Bài 2: “Tính thiêng” đang giảm dần
GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa di sản: Chụp giật tâm linh
Phải khẳng định cướp lộc, cướp phết, cướp cầu ở các lễ hội đền Sóc, Hội Phết Hiền Quan, cướp cầu Vĩnh Phúc… đều là các nghi thức truyền thống. Bản chất của lễ hội là tạo ra sự hỗn loạn như cái thời mông muội của loài người. Lễ hội là để nhắc nhở, làm gương cho cả trời đất và con người về sự hỗn loạn đó, và không được để xảy ra vào những ngày tiếp theo trong năm. Đến mùa lễ hội sau, họ lại tái diễn và để tiếp tục nhắc nhở. Trong mỗi lễ hội đều có những lễ mật khấn với thần linh hãy cho loài người mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Hỗn loạn của lễ hội chỉ là khởi đầu của loài người để dẫn dắt thiên nhiên vũ trụ đi vào trật tự. Vấn đề cầu phúc trong lễ hội chỉ là cái dẫn xuất, là hệ quả rút ra từ cái khởi đầu giáo dục trật tự kia thôi.
Đến nay, do thời buổi kinh tế thị trường, do không giáo dục nên con người chỉ nghĩ đến mình nên tranh cướp lộc cho chính mình bằng được. Lễ hội ngày nay là chụp giật tâm linh vì mục đích cá nhân không còn các động tác gắn với tín ngưỡng, gắn với nhận thức của tổ tiên. Hiện nay, lễ hội đã bị thương mại hóa, là nơi để kiếm lời và bị trần tục hóa, tính thiêng của lễ hội ngày càng mất đi. Nhiều địa phương hiện nay đã phục dựng một số lễ hội truyền thống như Lễ hội chạy lợn ở Phú Xuyên (Hà Nội), Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), Tế đàn xã tắc (Huế), Xuống đồng ở Hưng Yên - Quảng Ninh... Do được phục dựng theo “kịch bản” của các nhà nghiên cứu ở địa phương và trí nhớ của các vị cao niên nên nảy sinh băn khoăn là tính nguyên bản của lễ hội liệu có còn?

GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia: Lá ấn được “thổi” lên thành bảo vật
Trong dân gian, nhiều người vẫn tin vào lá ấn như một bảo vật để giúp mỗi người chống ma tà, vận hạn, hoặc mang lại phúc lộc. Thế nên, tại đền Trần (Nam Định), lá ấn bỗng được “thổi’ lên thành một bảo vật để đem lại quan tước, danh vọng cho bản thân mình. Đó là lý do khiến nhiều người đổ xô tới đền Trần trong vài năm qua, và cũng là lý do khiến nhiều đền chùa hào hứng với nghi thức này. Vấn đề này khá phức tạp. Hiện tại, cách nghĩ, cách nhìn về lá ấn đã bị đẩy đi khá xa so với mục đích là một vật lấy phước. Có nghĩa, trong bối cảnh xã hội của chúng ta, không thể tránh khỏi sự trục lợi từ những lá ấn được phát ấy – cho dù phía tổ chức nhiều nơi vẫn nói rằng đó chỉ là vật phát miễn phí lấy may. Cái năm Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long thử nghiệm tổ chức nghi lễ phát ấn, tôi cũng khá ngạc nhiên. Ngay từ năm đó, tôi đã phản đối và nhấn mạnh đây là điều không nên thực hiện. Việc khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long vốn không có trong lịch sử - hoặc nếu có thì cũng không có tư liệu nào ghi chép lại để khẳng định điều đó. Ít nhiều đây cũng là một sự khác biệt so với tục khai ấn tại đền Kiếp Bạc, hoặc đền Trần Nam Định. Vậy nên, mượn màu sắc truyền thống để tổ chức nghi thức này là không cần thiết. Rất may là năm 2017, sau nhiều ý kiến phản đối, Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã không thực hiện lại nghi thức này. Tuy nhiên, trào lưu phát ấn vẫn đang lan tràn ra rất nhiều địa phương khác, trong khi người khai ấn và phát ấn không hiểu gì về giá trị của ấn tín. 

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TNTN&NĐ của Quốc hội: Trong dân gian, cướp lộc chỉ mang tính diễn xướng
Tục cướp lộc hoa tre tại Hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội) có từ lâu đời, được ghi trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo nguyên gốc ban đầu, sau khi kiệu rước giò hoa tre tiến lễ lên sân rồng tại đền Thượng, dân làng làm lễ xong tiếp tục rước về đền Trình. Tại đền Trình, khi làm lễ xong, chủ tế hô “tất lễ”, lúc đó người dân các thôn làng cùng tranh lộc hoa tre. Dân gian quan niệm, ai được bông hoa tre hoặc một sợi tua của hoa tre coi như được lộc Thánh ban đầu năm mới. Nhiều năm nay, tục cướp lộc hoa tre không chỉ gói gọn trong phạm vi các thôn làng trong vùng, mà khách thập phương cũng tham gia cướp lộc. Hành động lấy lộc không phải là chen nhau giành lấy như xưa mà tranh cướp để lấy bằng được. Có nhiều năm, tại lễ hội đã có người bị thương tích do kiệu hoa tre chưa về tới đền Trình nhưng người đi hội đã xông vào cướp. Người cướp cố cướp, còn người giữ cố giữ bằng mọi giá, thậm chí sử dụng cả gậy gộc để bảo vệ và gây thương tích.
Hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được tổ chức vào mùng 9 tháng 4 âm lịch hàng năm cũng có tranh cướp lộc. Lộc ở đây là những chiếc chiếu khi ông Hiệu thực hiện xong nghi thức đánh cờ. Năm 2011, tại Hội Gióng Phù Đổng cũng xảy ra hiện tượng đánh nhau trong tranh cướp lộc, buộc chính quyền xã Phù Đồng phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn. Cụ thể, chính quyền xã cho đào một hào nước sâu xung quanh khu vực ông Hiệu đánh cờ hạn chế người dân vào tranh cướp lộc, không cho các gia nhân dùng gậy gỗ bảo vệ ông Hiệu. Sau đó, cũng như Hội Gióng đền Sóc, Hội Gióng đền Phù Đổng không còn hiện tượng đánh nhau nhưng hiện tượng tranh giành lộc gây lộn xộn vẫn tiếp diễn. Tôi thấy rằng, cứ lễ hội nào có nghi thức phát lộc, tán lộc là thường lễ hội đó có sự lộn xộn, tranh cướp lộc. Đó chính là do nhận thức chưa đúng của mọi người, muốn có lộc để có may mắn. Trong dân gian, cướp lộc trong lễ hội thường mang tính diễn xướng, mô tả lại nghi lễ ấy chứ không có nghĩa là cướp giật như hiện nay ở một số lễ hội.
(Còn nữa)