Bình Phước: Cán bộ “lén lút” làm sổ chồng lên đất người khác!

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới Văn phòng Đăng ký đất đai để làm thủ tục sang tên, đổi chủ, người dân bỗng phát hiện mảnh đất mình đang quản lý, không tranh chấp với bất cứ ai đã được cấp sổ cho… người khác!

Cấp sổ chồng lên đất người khác!
Đó là trường hợp của ông Võ Văn Sanh (SN 1965, ngụ TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) được bà Nguyễn Thị Thiền (SN 1937, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) và bà Trần Thanh Trúc (SN 1977, ngụ tỉnh Tây Ninh) ủy quyền từ năm 2017, quản lý 366,2m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2008, tại ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú.
Biên bản thể hiện ông Nguyễn Duy Thọ, cán bộ địa chính UBND xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) làm bậy.
Gần đây, ông Sanh đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Đồng Phú làm thủ tục sang tên, phát hiện miếng đất mình đang quản lý đã bị UBND huyện Đồng Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận - PV) cho vợ chồng anh Lâm Trường Hậu (SN 1981, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) vào tháng 12/2017.
Sau khi được cấp giấy, vợ chồng anh Hậu bán cho bà Lâm Thị Bích Thủy (SN 1977, ngụ cùng xã), bà Thủy bán cho vợ chồng anh Phạm Ngọc Hồng. Tiếp đó vợ chồng anh Hồng bán cho vợ chồng anh Hoàng Văn Đức (SN 1981) và được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận số 01430/Tân Hưng ngày 14/1/2019.
Phát hiện mảnh đất mình đang quản lý đã bị cấp giấy chứng nhận cho người khác. Ông Sanh gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Đồng Phú và Sở TN&MT tỉnh Bình Phước. Ngày 18/9, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Đồng Phú mời ông Sanh cùng đại diện xã Tân Hưng đến vị trí đất để kiểm tra. Qua kiểm tra, xác định giấy chứng nhận số 01430/Tân Hưng ngày 14/1/2019, cấp cho vợ chồng anh Đức với diện tích 492,9m2, đã chồng lên đất ông Sanh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Thọ (ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, người được vợ chồng anh Đức ủy quyền), đã đề nghị thu lại giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng anh Đức và không khiếu nại gì về sau. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, ông Thọ hiện đang làm cán bộ địa chính UBND xã Tân Hưng.
Ông Thọ chính là “mắt xích” đầu tiên thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho vợ chồng anh Hậu, sau đó là vợ chồng anh Đức! Sau khi vụ việc cấp giấy chứng nhận chồng lên đất ông Sanh lộ ra, ông Thọ tìm vợ chồng anh Đức để… mua lại giấy chứng nhận và ra công chứng làm ủy quyền cho mình giải quyết!
Cho ở nhờ, bị mất đất
Ngoài vụ đất ông Sanh đang quản lý bị UBND huyện Đồng Phú cấp giấy chứng nhận cho người khác. Tại xã này còn xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận cho người… ở nhờ trên đất! Đơn cử trường hợp ông Lý Văn Bộ (SN 1966), vào năm 1990 gia đình ông từ Cao Bằng vào tỉnh Sông Bé lập nghiệp và khai hoang được khoảng 3ha đất (nay thuộc ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) trồng cây ăn trái và sinh sống trên đất ổn định đến nay.
Mảnh đất của ông Lý Văn Bộ bị UBND huyện Đồng Phú (Bình Phước) cấp cho bà Rao và được bà này đem bán.
“Năm 2000, gần nhà tôi có hộ bà Hoàng Thị Rao không có chỗ ở. Do bà Rao khó khăn, lại là đồng hương nên vợ chồng tôi cho bà Rao dựng tạm căn nhà trên đất. Năm 2002, xét thấy hoàn cảnh hộ bà Rao quá khó khăn nên chính quyền xã xây căn nhà tình thương cho bà này trên đất mượn của gia đình tôi.
Đến năm 2007, bà Rao cùng các con chuyển vào xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú) xây nhà ở đó đến nay. Trong thời gian đó, không biết ai xúi giục, bà Rao làm đơn tranh chấp chính miếng đất tôi cho mượn. UBND xã giải quyết vài lần nhưng không thành vì đất có căn nhà tình thương là đất của gia đình tôi”, ông Bộ thuật lại.
Cũng theo ông Bộ, khoảng 16 giờ ngày 30/6/2019, ông Phạm Văn Hiếu (SN 1972, ngụ ấp 5), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng, thuê xe ben đổ đất lấp toàn bộ diện tích khu vực có căn nhà tình thương của bà Rao (gia đình ông Bộ đang trồng cỏ và cây ăn trái - PV), dẫn đến mâu thuẫn.
Sau khi tìm hiểu, ông Bộ phát hiện miếng đất ông cho bà Rao mượn để dựng nhà, không hiểu cán bộ đã “phù phép” bằng cách nào để bà Hoàng Thị Rao được Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú là ông Trần Văn Vinh ký cấp giấy chứng nhận vào ngày 14/3/2019, diện tích 829,3m2. Khi có giấy chứng nhận, bà Rao bán và người mua là ông Phạm Văn Hiếu. Vì vậy ngày 10/7/2019, ông Bộ làm đơn khiếu nại gửi UBND xã.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Rao cho biết miếng đất đó (đất có nền nhà tình thương - PV) là của ông Hỏn, em chồng bà cho ở nhờ. Thế nhưng khi được hỏi ông Hỏn đang ở đâu, bà Rao nói không biết vì không còn liên lạc.
“Sau này vào năm 2007, khi xây nhà ở xã Tân Lợi, tôi không ở căn nhà tình thương nữa. Cách đây 2 năm tôi bán cho chú Quân 27 triệu đồng, sau đó chú Quân bán lại cho chú Hiếu. Quá trình làm giấy chứng nhận, các thủ tục do chú Hiếu hướng dẫn. Sau đó chú Hiếu cùng một người nữa đến nhà đưa giấy tờ cho tôi ký và họ tự đi làm”, bà Rao nói.
Hồ sơ không ký tứ cận là bất hợp pháp
Để xác minh sự việc, chúng tôi tìm gặp ông Đàm Văn Sình (sống tại địa phương từ năm 1988, gần nhà ông Bộ). Ông Sình xác nhận: “Diện tích đã cấp giấy chứng nhận cho bà Rao là do ông Bộ khai phá và sinh sống ổn định. Khi thấy bà Rao không có chỗ ở, ông Bộ cho mượn để dựng nhà ở. Giữa ông Bộ với bà Rao có thỏa thuận gì hay không, tôi không rõ”. Còn ông Dương Minh Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng), cũng xác nhận vấn như ông Sình.
Từ những vụ việc nêu trên, dư luận có quyền nghi ngờ: Liệu một mình ông Nguyễn Duy Thọ có thực hiện các công đoạn cấp giấy chứng nhận? Bởi lẽ trước khi được cấp giấy chứng nhận phải qua một số quy trình và qua nhiều cấp, nhiều cán bộ ký. Trong các thủ tục, bắt buộc phải gặp những hộ có đất liền kề với đất sẽ được cấp giấy để ký giáp ranh tứ cận. Thế nhưng, ông Bộ cũng như ông Sanh khẳng định chưa bao giờ được cán bộ cho ký tứ cận hoặc ký vào bất cứ hồ sơ nào để từ đó UBND huyện Đồng Phú ký cấp giấy chứng nhận chồng lên đất người khác và cấp cho người ở nhờ!
Về vấn đề khi lập thủ tục cấp giấy chứng nhận, có phải ký tứ cận? Luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho biết, theo quy định tại điều 11 thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT về bản đồ địa chính: “Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đo đạc (công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa và lập bản mô tả ranh giới (MTRG), mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất. Sau khi các bên xác định mốc giới, ranh giới thì đo đạc và lập bản MTRG, mốc giới thửa đất.
Cũng theo luật sư Tuyến, theo mục 3.2 điều 12 của thông tư nêu trên: “Sau khi bản đồ địa chính được nghiệm thu cấp đơn vị thi công, đơn vị đo đạc in phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất và giao cho người sử dụng đất để kiểm tra, xác nhận, kê khai đăng ký đất đai theo quy định và nộp lại cùng hồ sơ đăng ký đất đai để làm cơ sở nghiệm thu bản đồ địa chính.
Trường hợp phát hiện trong kết quả đo đạc địa chính thửa đất có sai sót thì người sử dụng đất báo cho đơn vị đo đạc kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung. Với những quy định trên, sau khi có kết quả đo đạc, thì cơ quan, đơn vị đo đạc phải giao cho người có đất được đo, để  xác định lại ranh giới, mốc giới thửa đất được đo bằng việc ký xác nhận ranh giới của người sử dụng đất giáp ranh.
“Nếu trong hồ sơ đo đạc địa chính không có chữ ký xác nhận của người sử dụng đất liền kề, thì kết quả đo đạc địa chính đó không hợp pháp”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến, khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần