Sunday, 00:00 01/01/2012
Blue-chips “giữ” thị trường, khối ngoại gây ngạc nhiên
KTĐT - Trong một tuần giao dịch ảm đạm, vai trò của các cổ phiếu blue-chips được thể hiện khá rõ ràng, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa gây ngạc nhiên…
Thị trường đã có một tuần giao dịch trong tình trạng ảm đảm khi điểm số và thanh khoản đều sụt giảm. Nhiều nhà đầu tư đã có cảm giác mệt mỏi và chán nản khi cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường càng ngày càng thu hẹp và trở nên khó khăn hơn trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/6, Vn-index và Hnx-index đóng của tại 428,8 và 74,36 điểm. Như vậy tổng cộng cả tuần, hai chỉ số này đã lần lượt giảm 8,58 điểm và 1,7 điểm so với tuần trước, tương đương với mức giảm 1,96% và 2,24%. Trong tuần, số phiên giảm điểm trên cả hai sàn đều lớn hơn so với số phiên giảm điểm. Cụ thể HSX có tới 4 phiên giảm xen giữa là 1 phiên tăng (ngày 30/5) còn HNX khả quan hơn đôi chút khi có được 2 phiên tăng điểm (ngày 30/5 và 1/6).
Những con số thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trung bình /1 phiên tuần qua đã sụt giảm nghiêm trọng so với tuần trước đó. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ngày càng trở nên khó khăn hơn dẫn đến nhiều nhà đầu tư đã trở nên mệt mỏi, chán nản và không còn mặn mà với việc mua bán cổ phiếu.
Thực tế trong một vài phiên giao dịch, hành động bắt đáy đã diễn ra khi giá của các cổ phiếu giảm mạnh về vùng hấp dẫn. Tuy nhiên, kết quả của hành động này thường không đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí nhiều người còn bị lỗ. Chính vì vậy nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp tạm thời ngừng giao dịch để giữ thành quả. Ngay cả khi Vn-index “xuyên thủng” ngưỡng hỗ trợ 430 điểm thì họ cũng không thay đổi trạng thái của mình. Khối ngoại mua ròng Vai trò của các cổ phiếu blue-chips được thể hiện khá rõ ràng trong những phiên giao dịch vừa qua. Đại diện cho nhóm này tại sàn thành phố Hồ Chí Minh là GAS, VCB, MSN, VNM, VIC, BVH còn tại sàn Hà Nội là ACB, PVS, VCG, PVX, HBB. Với giá trị vốn hóa chiếm tỉ lệ lớn trên toàn sàn, mỗi khi giá khớp lệnh của các cổ phiếu thuộc nhóm này thay đổi đều có ảnh hưởng rõ rệt đến điểm số của Vn-index và Hnx-index. Chính việc các cổ phiếu blue-chips xen kẽ nhau tăng giảm với biên độ không lớn đã giúp cho thị trường không còn những phiên tăng nóng và giảm sâu như trước. Các nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa gây ngạc nhiên trên thị trường. Đã nhiều lần trước đây, khi mà các nhà đầu tư trong nước không mua hoặc bán tháo cổ phiếu, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ chủ yếu là mua vào. Tổng cộng cả tuần qua thì khối này đã quay trở lại mua ròng trên thị trường. Cụ thể khối ngoại tập trung mua ròng mạnh nhất VCF, MBB và bán ròng mạnh nhất DRC, BVH tại HSX. Còn tại sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng DBC, PVX và bán ròng VND, KLS. Tính đến ngày 30/4/2012, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 15.757 nhà đầu tư nước ngoài trong đó có 1.831 nhà đầu tư tổ chức và 13.926 nhà đầu tư cá nhân. Riêng trong tháng 5/2012, đã có thêm 39 nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 26 tổ chức và 13 cá nhân đầu tư nước ngoài được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán. Sẽ không phá đáy? Trong hoàn cảnh thị trường chung khá ảm đạm, giao dịch của nhóm cổ phiếu VPK, CAD, CSG tại HSX và SHN, THV tại HNX vẫn rất tích cực. Ấn tượng nhất có lẽ là cổ phiếu VPL của Công ty Cổ phần Bao bì dầu thực vật khi mã này trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần. Không thành công như VPK nhưng SHN và THV vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi các cổ phiếu này đều tăng trần trong những phiên cuối tuần mặc dù trước đó cả hai mã này đều thường xuyên giảm sàn. Nhóm các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt là CAD, VKP, VPK, HHS, CSG và SAP, VHL, ILC, MKV, SJ1. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trên cả hai sàn lần lượt là VSG, VNH, CMG, DLG, DDM và SHC, CVN, KSD, HST, AGC. Đặc biệt, trong nhóm các cổ phiếu tăng giá và giảm giá mạnh nhất thị trường tuần qua thì có rất nhiều mã không thể tìm ra nguyên nhân thực sự để giải thích cho tình trạng đó. Với những diễn biến nêu trên của tuần giao dịch, trên các diễn đàn chuyên về chứng khoán, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định không mấy lạc quan về xu hướng thị trường trong tuần tới. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoánViệt Nam nói chung và dòng tiền trên thị trường nói riêng sẽ chịu những tác động không mong muốn từ yếu tố bên ngoài. Khi các Thị trường lớn trên thế giới đang trên đà sụt giảm, thì thị trường Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, thị trường sẽ không giảm về mức đáy của thời điểm đầu năm (336 điểm). Lý do được đưa ra là nếu so sánh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, tiết kiệm…, thì thị trường chứng khoán vẫn là kênh sinh lợi nhất. Bên cạnh đó, thực tế từ đợt tăng điểm tương đối dài vừa qua cũng đã cho thấy dòng tiền cho thị trường không phải là thiếu. Chỉ có điều, vì thời điểm chưa thích hợp, nên dòng tiền này sẽ có những thời điểm đứng ngoài cuộc. Dài hạn hơn, khi nền tảng cho kinh tế đã rõ nét hơn, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trở lại.