Bộ Công thương đưa giải pháp đồng bộ để khai thác hiệu quả thủy điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Bộ Công thương vừa ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công thương trong lĩnh vực thủy điện thông qua Quyết định số 396/QĐ-BCT ngày 10/2/2017 trong đó nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ nhằm phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án, công trình thủy điện.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch của ngành Công thương nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 62/2013/QH13, Nghị quyết số 33/2016/QH14 và Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án/công trình thủy điện, bảo đảm việc phát triển thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội và đạt hiệu quả khai thác tổng hợp… Đặc biệt, trong Kế hoạch nêu rõ nội dung, nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công thương chủ trì thực hiện tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thứ hai, rà soát, đánh giá tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, vận hành, khai thác, an toàn đập thủy điện. Từ đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
Thứ ba, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án/công trình thủy điện từ giai đoạn quy hoạch đến khi nghiệm thu đưa vào vận hành khai thác của các cơ quan, đơn vị liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án...). Trong đó, cần đánh giá tình hình bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ này của Sở Công thương các tỉnh liên quan; việc chấp hành các quy định liên quan của Chủ đầu tư các dự án thủy điện; đánh giá các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ chất lượng công trình thủy điện. Thứ tư, rà soát kỹ nội dung các Quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa thủy điện để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; đánh giá tình hình thực hiện các quy định tại QTVH liên hồ chứa trên lưu vực sông, QTVH hồ chứa của Chủ đập thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan; tổng hợp thông tin về các hồ chứa chưa tuân thủ quy định về việc lập, trình phê duyệt QTVH; đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan tại QTVH hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, chủ động giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo vận hành khai thác các công trình thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội, đạt hiệu quả khai thác tổng hợp, phù hợp với điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hiện trạng hành lang thoát lũ, bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật... vùng hạ du đập.

Thứ năm, tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các Phương án: Phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ và vỡ đập và Bảo vệ đập tại các công trình thủy điện; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc tại các đập thủy điện chưa lập, trình duyệt các Phương án nêu trên. Trong đó, cần đánh giá việc quan trắc khí tượng, thủy văn tại công trình và trên lưu vực của Chủ đập; việc bảo vệ, tình hình xâm phạm hành lang thoát lũ ở hạ du các đập thủy điện; việc lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập; công tác diễn tập Phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập... Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các Phương án nêu trên; thực hiện các biện pháp khả thi đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn đập, đặc biệt là tại các công trình thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ sáu, rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về điều kiện cấp và duy trì Giấy phép hoạt động điện lực (Giấy phép HĐĐL) của các nhà máy thủy điện. Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện xả dòng chảy tối thiểu, cung cấp nước cho hạ du; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng chống cháy nổ, quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, vận hành hồ chứa; việc đáp ứng yêu cầu điều kiện của cán bộ vận hành... Từ đó, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo các nhà máy thủy điện chấp hành đầy đủ quy định pháp luật liên quan.

Thứ bảy, tổ chức phổ biến đầy đủ kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến việc chỉ huy, thực hiện lệnh vận hành hồ chứa thủy điện (đặc biệt trong mùa mưa, lũ) cho các tỉnh, các nhà máy thủy điện còn những vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan.

Thứ tám, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, chức năng của các công trình thủy điện; nội dung QTVH hồ chứa thủy điện; các quy định về an toàn đập và công tác phòng, chống lụt bão của công trình thủy điện.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, Bộ cũng phân công rõ trách nhiệm thực hiện cho Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư, các Chủ đập thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tổ chức, phối hợp thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương. Tổng cục Năng lượng được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, tổng hợp, lập báo cáo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả thực hiện Kế hoạch này.

Kế hoạch nêu trên đã và đang được Bộ Công thương chỉ đạo triển khai thực hiện từ ngày 10/2/2017 để cơ bản hoàn thành trong năm 2017 (ngoại trừ công tác xây dựng các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ hoàn thành trong năm 2018 và các nhiệm vụ thường xuyên khác).