Cà Mau:

Bộ đội biên phòng bắt nhóm côn đồ dùng hung khí tấn công ngư dân

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau vừa tiến hành truy bắt nhanh một nhóm đối tượng dùng súng bắn đạn chì, ná cao su bắn bằng bi sắt, đá... tấn công tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển tỉnh này.

Các đối tượng vừa bị BĐBP bắt giữ (ảnh BĐBP)
Các đối tượng vừa bị BĐBP bắt giữ (ảnh BĐBP)

Ngày 22/4, Đồn Biên phòng Khánh Tiến cho biết, đơn vị vừa tiến hành truy bắt 8 đối tượng dùng súng bắn đạn chì, ná cao su bắn bi sắt, đá và vỏ ốc tấn công tàu cá trên biển, làm thuyền viên bị thương.

Quyết tâm truy bắt tội phạm giữ ngư trường an toàn cho ngư dân

Cụ thể, vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 21/2, Đồn Biên phòng Khánh Tiến, (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của ông Phan Thanh Toàn, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Nội dung tin báo là vào khoảng 9 giờ ngày 21/2/2024, tàu cá KG 60808 TS có 4 ngư dân, do ông Phan Thanh Toàn làm thuyền trưởng, hành nghề ốc bẫy mực. Khi đến vị trí cửa biển Tiểu Dừa khoảng 2 hải lý về hướng Tây, tàu ông Toàn cùng với 4 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị 1 phương tiện tàu vỏ gỗ, sơn màu xanh, chở khoảng 8 người dùng súng bắn đạn chì, ná cao su bắn bi sắt, đá và vỏ ốc bắn ném sang các tàu, làm thuyền viên tàu cá KG 60808 TS (tên Châu Mi Pha) bị thương ở cánh tay trái.

Bi sắt thu được tại chỗ (ảnh BĐBP)
Bi sắt thu được tại chỗ (ảnh BĐBP)

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Khánh Tiến cử Tổ công tác gồm 10 đồng chí tiến hành tuần tra, truy đuổi bắt được  phương tiện chở 8 đối tượng cùng một số vũ khí thô sơ và đưa về Đồn để điều tra làm rõ.

Qua điều tra, phương tiện vỏ gỗ, sơn màu xanh (hay thường gọi là phương tiện “Cu mồi”) của ông Mai Thanh Phong (thường trú tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) làm chủ; do ông Nguyễn Hải Đăng (cùng địa chỉ với ông Phong) làm thuyền trưởng, hành nghề cào sò, đi trên phương tiện có 8 người, ra cửa biển Sào Lưới ngày 20/2/2024 (cửa này không có Trạm Kiểm soát biên phòng).

Khi phương tiện “Cu mồi” ra biển, thuyền viên Nguyễn Quốc Nghị mang theo 1 khẩu súng bắn đạn chì (do ông Nghị mua trên mạng, với giá 5 triệu đồng) và 1 hộp đạn chì; thuyền viên Dương Khánh Quy mang theo 2 ná cao su bắn bi sắt và 0,1kg bi sắt và ông Nguyễn Hải Đăng mang theo 1 ná cao su bắn bi sắt.

Hung khí thu được sau khi nhóm côn đồ tấn công ngư dân (ảnh BĐBP)
Hung khí thu được sau khi nhóm côn đồ tấn công ngư dân (ảnh BĐBP)

Vào khoảng 7 giờ ngày 21/2, tại toạ độ 09031'780’’N-104048'500’’E, phương tiện “Cu mồi” xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn với 1 phương tiện vỏ máy composite (không rõ chủ, thuyền trưởng); sau đó, vỏ máy composite chạy về hướng vàm Kim Quy/Kiên Giang.

 Sau đó, 5 phương tiện hành nghề ốc bẫy mực của Kiên Giang (KG 39066 TS, KG 60808 TS, KG 52660 TS, KG 62255 TS và 1 phương tiện không số) chạy đến dùng vỏ ốc ném qua phương tiện “Cu mồi” làm thuyền viên Nguyễn Mạnh Giỏi bị thương ở đỉnh đầu, ông Nguyễn Hải Đăng điều khiển phương tiện “Cu mồi” truy đuổi.

Khi đến gần các phương tiện của Kiên Giang, Nguyễn Quốc Nghị dùng súng bắn đạn chì, Trương Hoài Linh dùng ná cao su bắn bi sắt, các thuyền viên còn lại dùng đá, vỏ ốc bắn, ném sang các phương tiện của Kiên Giang, hậu quả thuyền viên Châu Mi Pha bị trúng 1 viên đạn chì ở phần mềm tay dưới cánh tay bên trái (gia đình đã đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau).

Đến khoảng 10 giờ 20 phút cùng ngày, Đồn Biên phòng Khánh Tiến tuần tra, phát hiện thì phương tiện “Cu mồi” bỏ chạy, thuyền viên Nguyễn Quốc Nghị ném khẩu súng bắn đạn chì, thuyền viên Dương Nhật Hào, Trương Hoài Linh mỗi người ném 1 ná cao su xuống biển để phi tang vật chứng.

Sau 30 phút truy đuổi, đến khu vực cách cửa Hương Mai khoảng 4 hải lý về hướng Tây Bắc (cách vị trí xảy ra tranh chấp khoảng 6 hải lý) Tổ công tác tiếp cận được phương tiện “Cu mồi.” Qua kiểm tra nhanh, phát hiện trên phương tiện có các đồ vật nghi vấn, liên quan đến vụ việc như sau: 1 ná cao su, 2 viên đạn chì (được sử dụng để bắn súng tự chế); 42 viên bi sắt (sử dụng để bắn ná cao su); 1 túi vải màu đen. Lực lượng làm nhiệm vụ đưa người, phương tiện “Cu mồi” về Đồn Biên phòng Khánh Tiến và mời thuyền trưởng của 5 phương tiện Kiên Giang đến để làm việc.

Qua tiến hành test nhanh 8 thuyền viên đi trên phương tiện “Cu mồi”, phát hiện thuyền viên Nguyễn Mạnh Giỏi dương tính với chất ma tuý. Đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Trần Văn Thời xác minh nhanh nhân thân, lý lịch những người có liên quan.

Kết quả, trước đó, ngày 23/10/2023, Công an huyện Trần Văn Thời xử lý Nguyễn Mạnh Giỏi về hành vi mang theo vũ khí thô sơ - công cụ hỗ trợ nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người khác và Nguyễn Hải Đăng về hành vi mang theo vũ khí thô sơ nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người  khác.

Kiểm soát tốt điểm nóng trên biển

Việc bắt giữ nhanh nhóm côn đồ tấn công các ngư dân  là một tín hiệu tốt cho thấy các lực lượng chức năng đang thực hiện tốt các giải pháp mạnh, nhằm sớm lặp lại an ninh trật tự trên vùng biển tỉnh Cà Mau.

Như báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin, ngày 16/1, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc số 384/UBND-NNTN về việc chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xử lý tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển của tỉnh này. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành chức năng lập đoàn tuần tra, kiểm soát tại các khu vực tranh chấp ngư trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Đồng thời, khẩn trương điều động các tàu tuần tra, kiểm soát ra khu vực biển tranh chấp để nắm thông tin, tình hình. Kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không cho các phương tiện ra biển hoạt động nếu không đảm bảo các điều kiện theo quy định, đặc biệt là các phương tiện thủy nội địa.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ ngày 8/11/2023 đến 2/1/2024, đã xảy ra 13 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công bằng bom xăng, ná thun… khi hoạt động trên vùng biển Cà Mau, làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của ngư dân và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Cửa biển Sông Ông Đốc Cà Mau (Hoàng Nam)
Cửa biển Sông Ông Đốc Cà Mau (Hoàng Nam)

Theo nhiều ngư dân ở huyện Trần Văn Thời và U Minh, với quyết tâm cao và kiên quyết của các lực lượng chức năng, vùng biển Tây Nam sẽ sớm trở lại bình yên. Việc bắt giữ nhóm côn đồ nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, động viên ngư dân yên tâm ra khơi bám biển.