Bộ Giao thông đưa ra 2 phương án “cứu” các dự án BOT

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng có 37 dự án BOT cần phải tăng phí để “cứu” khỏi nguy cơ phương án tái chính bị phá vỡ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra 2 phương án giải cứu.

 BOT Hà Nội - Bắc Giang nằm trong số các dự án bị giảm doanh thu
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương liên quan dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT. Theo Bộ GTVT, năm 2018, trong số 53 dự án đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng so với phương án tài chính ban đầu, 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu.
Với thực trạng đó, Bộ GTVT cho rằng,  đối với các dự án có sụt giảm doanh thu, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời, có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đang triển khai thực hiện.
 BOT Hòa Lạc - Hòa Bình bị phản đối ngay từ lúc mới đi vào hoạt động
Từ nhận định trên, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án nhằm “giải cứu” các dự án BOT gồm: Thứ nhất, tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021. Theo hợp đồng đã ký, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 có 49 dự án phải tăng phí theo lộ trình. Bộ sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2019 chỉ đàm phán tăng phí đối với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu.
Thứ hai, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng từ năm 2022. Theo phương án này, 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn từ 2018 - 2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính và dự kiến nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các dự án này đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính dự án.
Đối với phương án thứ nhất, Bộ GTVT đánh giá là khả thi bởi theo phương án này, phương án tài chính các dự án vẫn đảm bảo khả thi, đặc biệt không phải bố trí ngân sách để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, việc tăng phí tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.
Còn đối với phương án thứ hai, ưu điểm là hạn chế ảnh hưởng xấu đến tình hình thu phí đang dần ổn định tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, nhược điểm là nhà nước phải bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng trong năm 2022 để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của các dự án này.
Từ đó, Bộ GTVT nêu quan điểm nghiêng về phương án thứ nhất do có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, do việc quyết định phương án có liên quan đến ngân sách, vượt thẩm quyền nên Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo.