Bộ Giao thông Vận tải và câu chuyện giải ngân đầu tư công

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là chủ nhân của nhiều “siêu dự án” sử dụng ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải có lợi thế lớn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đây chỉ là lợi thế nhỏ so với nhiệm vụ nặng nề mà cơ quan này phải hoàn thành.

Dù sở hữu nhiều "siêu dự án" nhưng áp lực giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT vẫn là rất lớn.
Dù sở hữu nhiều "siêu dự án" nhưng áp lực giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT vẫn là rất lớn.

Áp lực ngàn cân

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khoảng 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ GTVT được phân bổ chủ yếu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) được bố trí hơn 17.500 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được bố trí gần 45.500 tỷ đồng.

Các dự án quan trọng, cấp bách được bố trí số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Nhóm dự án ODA được bố trí hơn 7.800 tỷ đồng. Các dự án trong nước khác được phân bổ số vốn gần 27.800 tỷ đồng.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.

Như vậy, trong 3 tháng cuối năm 2023, tổng số vốn đầu tư công mà Bộ GTVT phải giải ngân xong vẫn còn tới 37.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản dù trên thực tế cơ hội hoàn thành của Bộ GTVT vẫn khá lớn nhờ họ đang sở hữu nhiều “siêu dự án” sử dụng vốn ngân sách như Cao tốc Bắc – Nam phía Đông hay Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Các chuyên gia cho rằng, dù tiến độ giải ngân đầu tư công trong 9 tháng năm 2023 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước song để “tiêu hết”khoảng 37.000 tỷ đồng còn lại trong các tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành.

Để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng phải hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, thủ tục chuyển đổi đất rừng tại các dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Tiến độ trên công trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Tiến độ trên công trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.

Quyết định trên công trường

Để Bộ GTVT có thể hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm, yếu tố quan trọng nhất là các chủ đầu tư cần duy trì tốc độ giải ngân tốt, ổn định. Mà muốn làm được điều này, tiến độc công việc trên các công trường sẽ đóng vai trò then chốt.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp như yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), mỏ vật liệu xây dựng; chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nguồn lực tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công; đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán; địp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt; kiên quyết điều chỉnh khối lượng và xử lý ngay nhà thầu yếu kém...

Đặc biệt, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch thi công sát với thực tiễn công trường của các chủ đầu tư là điều tối quan trọng.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng thường xuyên thực hiện việc rà soát, điều hoà vốn cũng được thực hiện thường xuyên giữa các dự án giải ngân chậm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT đã điều chỉnh kế hoạch 7 đợt cho 71 dự án với giá trị vốn điều chỉnh 4.463 tỷ đồng.

Nhờ đó, tính hết tháng 10/2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2,2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 16%).

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025) chiếm hơn 60% tổng kế hoạch vốn của Bộ GTVT, trong 10 tháng đầu năm, dự án giai đoạn 1 đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng (đạt 69%), dự án giai đoạn 2 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng (đạt 72%).

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT. Nhất là khi kết quả này đạt được trong bối cảnh nhiều khó khăn phát sinh từ yếu tố khách quan, đặc biệt là điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan, nhiều thiên tai bão lũ trong dịp cuối năm.

Từ giờ đến cuối năm còn gần 2 tháng nữa song với tiến độ đang đạt được, các chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao trong năm là hoàn toàn trong tầm tay. Điều này sẽ càng ý nghĩa hơn khi năm 2023 là năm nhiều dự án trọng điểm rơi vào ngành GTVT, việc hoàn thành tốt kế hoạch giải ngân của Bộ GTVT sẽ là đóng góp lớn vào tiến độ giải ngân chung của cả nước.

 

Trong tổng số hơn 33.200 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được giải ngân tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 thì 2 dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất như: Cần Thơ - Hậu Giang (91%), Vũng Áng - Bùng (86%). Các dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% trở lên gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (74%), Bùng - Vạn Ninh (70%), Vạn Ninh - Cam Lộ (75%), Vân Phong - Nha Trang (73%), Hậu Giang - Cà Mau (77%). 5 dự án thành phần khác, gồm: Hàm Nghi - Vũng Áng tính đến hết tháng 10/2023 giải ngân 66%, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giải ngân 69%, Hoài Nhơn - Quy Nhơn giải ngân 66%, Quy Nhơn - Chí Thạnh giải ngân 60%, Chí Thạnh - Vân Phong giải ngân 64% kế hoạch vốn.