Bộ trưởng Bộ Công an: Cần có quy trình điều tra đặc biệt với án xâm hại tình dục trẻ em

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo người đứng đầu ngành Công an, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn... do đó cần có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, trong đó số lượng vụ xâm hại tình dục chiếm 84%, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2017. Diễn biến xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là nạn nhân. Tội phạm có cả người Việt Nam và đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tập hợp trẻ để nuôi dưỡng rồi xâm hại tình dục.
Theo người đứng đầu ngành Công an, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.

Mặt khác, những vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất.

Về giải pháp, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về phòng chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện các hiệu quả giải pháp tuyên truyền, giáo dục; đổi mới việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xét xử tội phạm... Đặc biệt, cần có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Thông tin thêm về vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em không gây khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra. Bởi phần lớn các vụ việc truy xét nhưng không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường dài; gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí con che giấu, từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LDTB&XH Đào Ngọc Dung nêu quan điểm, hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng Bộ đều chủ động ý kiến. Có những vụ việc cá nhân Bộ trưởng chủ động trao đổi với các cấp lãnh đạo.

"Như vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi phải gọi điện trao đổi trực tiếp nói rõ quan điểm và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ việc, không đồng tình và đề nghị 2 cơ quan xem xét xử lý nghiêm minh vụ việc.

Hay như vụ Minh Béo, khi về nước vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi và Bộ cũng đã có những báo cáo, ý kiến gửi các cấp ngành.

Trong các sự việc không phải Bộ không lên tiếng mà tùy từng vụ việc Bộ đều có ý kiến theo những cách khác nhau để bảo vệ quyền lợi các em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.