Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Dạy thêm, học thêm trực tuyến cần phải lên án, ngăn chặn

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc dạy thêm học thêm cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ càng cần lên án.

Sáng 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời đại biểu Quốc hội
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 11/11, Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong mùa dịch, nhưng gần đây đã xuất hiện việc dạy thêm và học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Bộ trưởng nói thế nào về việc này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường, việc dạy thêm, học thêm đã cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ càng cần lên án.

Theo Bộ trưởng, Thông tư số 9 ngày 30/3 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các Sở Giáo dục Đào tạo, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Nhiều chính sách, văn bản bộc lộ khuyết điểm trong dịch bệnh 
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh về bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, "chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta". 
Trong thời gian qua, Bộ đã hết sức cố gắng, tận tình, trách nhiệm, tuy nhiên qua dịch bệnh vẫn nhìn thấy một số điều chắc chắn phải điều chỉnh.
Theo Bộ trưởng, về thể chế, khi áp dụng, vận hành ứng phó, nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết. Bình thường, những vấn đề này có thể vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt. Giai đoạn dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhìn nhận Bộ đã làm tốt việc ban hành văn bản, nhưng cần hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành. Theo đó, chính sách hỗ trợ văn bản hướng dẫn thời gian tới cần thực tế hơn.
"Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều" - Bộ trưởng nói.
Với vấn đề tăng cường chất lượng dạy và học trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Bởi trong 716 quận huyện trực thuộc, hiện có 350 quận, huyện áp dụng dạy học trực tiếp và 316 đã đi học trực tiếp.
"Nhóm đang học trực tiếp bình thường thì cần giải pháp tăng chất lượng riêng, nhóm chuẩn bị đưa học sinh quay lại trường, nhóm có thể phải tiếp tục học trực tiếp cần có những giải pháp khác" - Bộ trưởng nói và cho biết thêm, đây là chủ đề lớn nên sẽ trả lời lồng ghép vào câu hỏi của các đại biểu tiếp theo.