Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Kịp thời ngăn chặn hoạt động chống phá, phạm tội mới

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết,  năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự (THADS).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023

Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực THADS cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động trong việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản để làm rõ tính đặc thù của bán đấu giá tài sản trong thi hành án; có ý kiến đối với nhiều vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng,…

Năm 2023, kết quả thi hành án hành chính (THADS) đạt tỉ lệ 83,24% số vụ việc thi hành; số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS có chiều hướng tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên nhân do một số quy định về THADS trở nên bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác THADS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đã thi hành xong 582 bản án thi hành án hành chính

Đối với công tác thi hành án hành chính (THAHC), các cơ quan đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành, trong đó, ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc. Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).

Về hoạt động Thừa phát lại, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, có tổng số 194 Văn phòng Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 09 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 05 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỷ đồng.

Còn xảy ra sơ hở dẫn đến phạm nhân trốn, vi phạm nội quy

Báo cáo về công thác thi hành án hình sự (THAHS), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định; Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 07 Thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung và ban hành 27 Thông tư theo quy định của Luật THAHS năm 2019. Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành 01 Thông tư.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Công tác thi hành án phạt tù; Công tác giáo dục, cải tạo, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; Công tác xét, đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện; Công tác THAHS tại cộng đồng; Công tác thi hành biện pháp tư pháp; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo... được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật THAHS năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật chưa cao. Công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ còn xảy ra sơ hở dẫn đến phạm nhân lợi dụng trốn, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng báo cáo trước Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị giải pháp chủ yếu. Trong đó, đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định; thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, THAHS tại cộng đồng...