Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề: “Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên chất vấn, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” theo hướng đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 01 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 03 phút/lần. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.
Đưa ra Tòa án xem xét tài sản không chứng minh được nguồn gốc
Tại buổi chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi về các vấn đề bảo đảm chất lượng ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ ngành, địa phương; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc ban hành thực thi pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản còn sai sót, trái luật, trái thẩm quyền; khắc phục tình trạng "vênh nhau" giữa các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý tài sản tham nhũng... 

Đại biểu Lê Thị Nga (Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội) chất vấn: “Quan điểm của Bộ Tư pháp về xử lý tài sản tăng thêm nhưng không giải trình được nguồn gốc trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng Chính phủ vừa trình Thường vụ Quốc hội?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự Luật Phòng chống tham nhũng đang được xem xét để trình Quốc hội kỳ họp sắp tới, trong đó còn những ý kiến khác nhau.
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Về vấn đề xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, quan điểm của Chính phủ là đánh thuế 45% thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết thêm, theo Công ước phòng chống tham nhũng, những tài sản không chứng minh được sẽ bị tịch thu hoặc xử lý hình sự. “Ở Trung Quốc cũng vậy, tài sản không chứng minh được bị tịch thu hoặc hình sự ngay”, Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng, nếu ở nước ta thực hiện ngay lập tức như Công ước hay Trung Quốc sẽ không khả thi. Do vậy, quan điểm của Bộ Tư pháp với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc, phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, đưa ra Tòa án xem xét.

Bộ trưởng cũng cho hay, đây đang là vấn đề thảo luận, Bộ cùng với Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ diễn tiến của thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. 

Có hay không tình trạng đối phó?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) hỏi: Vai trò của Bộ Tư pháp, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc kiểm soát các dự thảo các văn bản quy định chi tiết khi trình Quốc hội như thế nào? Qua theo dõi một số hồ sơ của một số cơ quan trong trình hồ sơ đó có hiện tượng đối phó, Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, “trên thực tế, chúng ta có độ trễ nhất định, nhưng cũng có những trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự trù hết thông tin”.

Thực tế, Chính phủ đã trình được 10 văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Lâm nghiệp; Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước...

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng mong muốn các Đại biểu Quốc hội chia sẻ: Với quy trình làm luật chặt chẽ như vậy, cùng một lúc, trong thời gian ngắn phải trình cả dự thảo quy định chi tiết thì thời gian vật chất có những hạn chế”.

Do vậy, Bộ Tư pháp cũng cố gắng thẩm định kỹ, soi kỹ từng nội dung, từng chính sách để làm sao quy định chi tiết ở mức cao nhất trong luật, pháp lệnh là tốt nhất, còn nếu không thì cần tiếp tục quy định nội dung quy định chi tiết nhưng phải kiểm soát về số lượng.

Cũng tại buổi chất vấn, trả lời đại biểu Trương Minh Hoàng về giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đạt bước tiến đáng kể. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng xin lùi, xin rút, đưa dự án luật ra khỏi chương trình, dù đã bớt đi so với trước...

 

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Thành Long thì hiện Bộ Tư pháp cũng đang chủ động rà soát các nguồn để đưa vào chương trình luật pháp lệnh cố gắng đảm bảo thứ tự ưu tiên, tính khả thi.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, đề nghị của cán bộ Bộ Tư pháp, nếu như xác định tốt, có thứ tự ưu tiên và đủ thời gian theo quy định của Pháp luật.

Thứ ba là trong các văn bản phải thể hiện rõ quan điểm là đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để trình Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Trả lời đại biểu Trần Quang Chiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian vừa qua, Bộ trưởng khẳng định, luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị về: Vấn đề đánh giá tác động văn bản; lập đề nghị đưa dự án luật vào chương trình;... Bộ trưởng cho rằng,  cần thay đổi, tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cần xem xét lại việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh;...

Kết thúc phiên phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 28 lượt Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 6 đại biểu tham gia tranh luận; còn 38 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian chất vấn. Đề nghị các đại biểu vui lòng gửi câu hỏi đến UBTVQH (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để chuyển đến Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhìn chung, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn cụ thể, thẳng thắn, rõ vấn đề, không quá một phút về mặt thời gian theo yêu cầu cải tiến, đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê thành Long đã nắm khá chắc tình hình, thực trạng và những vấn đề nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực Bộ quản lý; nghiêm túc làm rõ trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách và đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.