Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việt Nam có 2 trường lọt vào top 1000 trường tốt nhất thế giới

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) hỏi: Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của Châu Á và thế giới? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việt Nam có có 2 trường lọt vào top 1000 trường tốt nhất thế giới

Tại phiên chất vấn, ĐB Mai Thị Phương Hoa đặt vấn đề, báo cáo kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá cao, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là 7-10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có sự phát triển đặc biệt ấn tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng về sự đánh giá này của Ngân hàng thế giới.
 ĐB Mai Thị Phương Hoa.
ĐB chia sẻ: Tuy nhiên, về giáo dục đại học thì tôi rất băn khoăn bởi vì trong báo cáo của Bộ cũng đã thể hiện chất lượng giáo dục đại học chưa thực sự cao, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng còn hạn chế.
“Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng 500 trường đại học châu Á. Bộ trưởng có ý kiến gì về đánh giá của WB? Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của Châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam?”, ĐB chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận: Về chất lượng giáo dục đại học thì có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản, giáo dục đại học chúng ta thấp, chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Tư lệnh ngành GD&ĐT cho hay, nguyên nhân trước tiên là chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô xây dựng, chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Chúng tôi so sánh các nước có nghiên cứu thì tỉ lệ tiến sĩ ở các trường đại học 40-50%, thậm chí 60-70% (trong khi đó ở ta mới chỉ 22-23%). Cơ sở vật chất ở các trường đại học của chúng ta còn hạn chế, chưa đủ để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước. Với chi phí có thể gọi là thấp thì chất lượng đại học rất khó mong đợi.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Giáo dục dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Bộ trưởng Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD,... chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao".

Bộ trưởng khẳng định: “Tới đây chúng tôi sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí phải giải thể. Tự chủ là một trong những "điểm nghẽn" khiến các trường không phát huy được nội lực, tâm điểm của Bộ là sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học”.
So với thế giới thì chất lượng đại học của chúng ta đạt thấp. Gần đây, chúng ta có 5 trường được xếp hạng trong số 500 trường đại học ở châu Á, chúng ta cũng có những trường được xếp vào số 150 trường đại học châu Á. Gần đây, theo thông tin tôi được biết, bắt đầu có 2 trường lọt vào top 1000 trường tốt nhất thế giới. Tới đây sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, Bộ cũng sẽ tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành trọng điểm vào những trường, những ngành xuất sắc.