Bộ trưởng Y tế: Không ai muốn giữ bệnh nhân nặng, đến chết không chuyển

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về trường hợp bệnh viện giữ bệnh nhân, không cho chuyển viện dẫn đến tử vong, chiều 14/6, Bộ tưởng Bộ Y tế cho rằng, đây chỉ là trường hợp cá biệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Chúng tôi nghĩ đây chỉ là trường hợp cá biệt. Về nguyên tắc không ai muốn giữ bệnh nhân nặng đến tử vong”.

Bởi trường hợp tử vong sẽ “rất nặng nề đối với bệnh viện và tập thể bác sĩ điều trị”. Thứ hai, chi phí giữ lại bệnh nhân nặng rất lớn và thâm hụt vào quỹ bảo hiểm bệnh viện giao.

“Cũng có thể vì hoàn cảnh, trách nhiệm, bác sĩ ôm trách nhiệm đó, vì nếu chuyển có thể bệnh nhân tử vong trên đường đi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ tưởng, quy chế chuyển viện đã được Bộ Y tế quy định trong thông tư nếu cố tình giữ lại dẫn đến tử vong sẽ bị xử nghiêm.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về giải pháp cải cách thủ tục chuyển tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, chúng tôi thấy người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến trung ương, đây là nguyện vọng chính đáng.

Hiện nay, theo Luật bảo hiểm y tế đã có thông tuyến giữa xã và huyện, người dân có thể không cần khám ở nơi đăng ký ban đầu mà có thể đến tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong lộ trình đến năm 2021 cố gắng thông toàn quốc.
Chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất, cho nên người dân cũng có thể đi qua các tuyến ban đầu.
Tuy nhiên, với những bệnh nặng và mãn tính như ung thư, tim mạch hoặc các bệnh phổi, Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu về y tế phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và có một hệ thống theo dõi, giám sát và được điều trị theo phác đồ.
Nhiều bệnh nhân ở bệnh viện huyện nhưng được lên tỉnh để nhận thuốc bảo hiểm hàng tháng. Tuy nhiên, chính những bệnh nhân trong lúc đi thăm gặp tôi đề nghị cho chúng tôi nhận thuốc này và chữa bệnh ngay tại huyện, tại xã mà không cần phải đi xa, thực chất bệnh mãn tính điều trị theo phác đồ và đến lấy thuốc.

Bộ đang xây dựng chương trình này và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh, tức là bệnh nhân có thể đến nhận thuốc đó mà không cần lên cao. Còn giai đoạn đầu khi chẩn đoán phát hiện cần những các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.
Về vấn đề thái độ, đạo đức của cán bộ y tế mà một số đại biểu phản ánh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chúng ta cũng đã biết rằng "con sâu làm rầu nồi canh" và ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt.
Tuy nhiên thời gian qua ngành y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bằng nhiều giải pháp tổng thể từ tuyên truyền, vận động gắn với "Học tập làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh" trong toàn ngành gắn với công đoàn.

"Chúng tôi cũng có những giải pháp dùng đường dây nóng, bằng các thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh. Trong thời gian qua, hơn 7.000 cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành", Bộ trưởng cho biết.