Bộ Xây dựng: Ứng dụng công nghệ khai thác hiệu quả tài nguyên

Thành Luân - Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/1, Bộ Xây dựng công bố công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên

Phát biểu khai mạc Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị.

Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản bảo đảm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển ngành vật liệu xây dựng trước mắt và lâu dài; bảo đảm an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp; ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

"Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận.

Công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng là cơ sở để cấp phép hoạt động khoáng sản, quản lý việc khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản, từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Quy hoạch là cần thiết

Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, Bộ Công Thương Đào Công Vũ cho hay, các khoáng sản làm VLXD đã được tổng hợp và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tại 03 Quy hoạch và đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt tại 5 quyết định, gồm: Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/11/2008; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012; Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008; Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010; và Quyết định số 47/2008/QĐ-BCT ngày 17/12/2008.

Quá trình thực hiện các quy hoạch (QH) thấy rằng: Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản còn hạn chế và chưa được cập nhật thường xuyên, có hệ thống vào quy hoạch; thông tin nhiều khu vực khoáng sản trong quy hoạch (địa danh, tọa độ khép góc, tài nguyên trữ lượng,…) chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ; kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác; việc chồng lấn các quy hoạch khác (khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái,…).

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

QH khoáng sản thời gian qua ở một số địa phương; công tác thăm dò khoáng sản chưa triệt để theo chiều sâu thân quặng nên việc đánh giá trữ lượng khoáng sản còn hạn chế, không khai thác hết trữ lượng khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên; vướng mắc trong hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản nằm trong quy hoạch nhưng quá trình thực hiện bị khoanh định đưa vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản hoặc rừng tự nhiên,…

Theo quy định của Luật Quy hoạch, nhiệm vụ lập QH thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực sử dụng tài nguyên thuộc đối tượng phải lập lại theo quy định mới với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 30 - 50 năm.

Do vậy, Nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.