Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum sau vụ pate Minh Chay

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, ngộ độc thực phẩm độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng 2 bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.
Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.
Bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Ảnh: Thảo Trần
Các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.
Hướng dẫn chẩn đoán điều trị này không bao gồm các trường hợp nhiễm độc độc tố botulinum do nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn các chủng vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum ở trẻ nhũ nhi hoặc ở người lớn, nhiễm độc tố botulinum qua đường hô hấp.
Triệu chứng, xử trí
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian khởi phát bệnh phổ biến 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6 giờ - 8 ngày sau ăn.
Người bệnh xuất hiện triệu chứng cụ thể như sau: Buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp...
Ngoài ra, người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng 2 bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Đồng thời, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất; đồng tử có thể giãn hai bên, …
Về nguyên tắc xử trí, Bộ Y tế cho biết cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính, cần phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo. Dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt khi đã có chỉ định. Đồng thời báo các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết.
WHO tài trợ khẩn 10 liều thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam. Ảnh: Thảo Trần
Bộ Y tế cho biết cần gây nôn nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ. Tiến hành biện pháp than hoạt trong trường hợp bệnh nhân đến viện muộn do độc tố, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau...
Bệnh nhân cần được theo dõi, giám sát, đặc biệt tình trạng liệt các cơ và tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân liệt hầu họng, ho khạc kém, ứ đọng đờm thì cần hút đờm, nằm nghiêng, đặt ống thông dạ dày cho ăn, nên đặt nội khí quản sớm bảo vệ đường thở. Bệnh nhân suy hô hấp thì đặt nội khí quản, thở máy...
Biện pháp phòng tránh ngộ độc Botulinum
Theo Bộ Y tế, về lý thuyết thuốc điều trị ngộ độc Botulinum chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn… để phòng tránh ngộ độc botulinum.
WHO tài trợ khẩn 10 liều thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam
Ngày 8/9, 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum sẽ được chuyển đến Việt Nam từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm độc tố Botulinum do ngộ độc thực phẩm, PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.
Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày 8/9 về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.
Trước đó, Văn phòng WHO tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận hai liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai.
Theo PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, 10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.
Dưới sự chỉ đạo của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các vụ, cục của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch Tài chính) đã phối hợp chặt chẽ với WHO để giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc tiếp nhận số thuốc nêu trên.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn Pate Minh Chay nhiều ngày. Trong đó, có 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ: Mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này được cho về theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.