Bộ Y tế: Nếu được, đề nghị tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/6, Bộ Y tế đã họp báo để cung cấp thông tin liên quan đến phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, trong sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong (cập nhật mới nhất là 9 người).

Vụ trưởng vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang phát biểu tại buổi họp báo.

Theo Vụ trưởng vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang, vụ án chạy thận nhân tạo xảy ra năm 2017 tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã được tòa án xét xử, nếu không có gì thay đổi tới chiều 5/6 sẽ tuyên án. Bộ Y tế khẳng định, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử lọc thận của Việt Nam. “Việc chạy thận được tiến hành từ trung ương tới địa phương, đã trở thành một kỹ thuật thường quy chứ không phải kỹ thuật đặc biệt hay kỹ thuật cao”, ông Quang cho hay.
Bộ Y tế đã rất tích cực và có sự chỉ đạo quyết liệt, thể hiện trách nhiệm của mình. Sau khi sự cố ý khoa xảy ra, Bộ Y tế đã cử các cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực trên lên Hòa Bình kiểm tra xem xét, làm việc với cơ quan công an, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bộ chỉ đạo quyết liệt, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, truy tố, xem xét và có kết luận rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm các chủ thể liên quan tới vụ việc. Bộ cũng chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn, đánh giá nguyên nhân gây tử vong.

“Quan điểm của Bộ Y tế là tôn trọng các cơ quan truy tố và xét xử. Bộ Y tế không can thiệp vào quá trình điều tra, xét xử, nhưng Bộ đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét, đánh giá trách nhiệm hình sự trên cơ sở đúng người, đúng tội, không để oan sai. Nếu có thể được, đề nghị tòa tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương...", ông Quang nói. Đồng thời cho biết, trong quá trình xét xử, mặc dù không được tòa mời, nhưng Bộ Y tế vẫn cử các đại diện có liên quan theo dõi diễn biến tòa.

Theo Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, Việt Nam có các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống nước sạch cho quá trình lọc máu. Năm 2000, Bộ Y tế ban hành quy trình lọc máu, theo chu kì có những điều chỉnh và tiến bộ mới. Năm 2004, Bộ cập nhật thêm quy trình lọc thận, 2018 bổ sung và cập nhật là 52 quy trình liên quan lọc máu.

Đồng thời, ông Khoa phản bác lại thông tin Bộ Y tế chậm trễ trong quy trình chạy thận, bởi “y học có sự phát triển và tiến bộ liên quan nhiều ngành khoa học khác. Việc ban hành các quy trình phải có thời gian…”

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Bộ Y tế có những tiêu chuẩn, quy định quản lý thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống lọc nước RO trong chạy thận.“Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp thiết bị y tế phải cung cấp cho bên sử dụng, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có các thông tin về tiêu chuẩn thiết bị, cảnh báo nguy cơ gây bất an toàn về thiết bị, lắp đặt hướng dẫn các thiết bị cảnh báo an toàn thiết bị trước khi đưa vào sử dụng”, ông Tuấn nói.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng cuộc họp báo lần này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả tuyên án của phiên tòa ngày 5/6.