Bộ Y tế yêu cầu thanh kiểm tra, quản lý chặt kinh doanh mỹ phẩm trên TikTok, Facebook
Kinhtedothi - Ngày 23/4, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế có văn bản số 1149/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, TP và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, nhờ công tác kiểm tra đã phát hiện một số cá nhân, tổ chức có vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm.
Đồng thời theo thông tin từ báo chí, trên các trang thông tin điện tử của DN, sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm. Cụ thể là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, có dấu hiệu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế.

Ảnh minh họa.
DN quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế…
Để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý mỹ phẩm đối với các DN sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Sở Y tế các tỉnh, TP thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan tăng cường thanh kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.
Trong đó, đơn vị tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube... nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, các đơn vị kiểm tra quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá hoặc không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố, gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.
Các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cần bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định nếu có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, chất lượng, hiệu quả sản phẩm.

TikToker Dưỡng Dướng Dường bị khởi tố, bắt tạm giam
Chủ tài khoản TikTok Dưỡng Dướng Dường (Mai Văn Dưỡng 39 tuổi) bị khởi tố về hành vi đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của một cá nhân và gây ảnh hưởng đến hoạt động của một bệnh viện thẩm mỹ.

Tràn lan TikToker bán hàng giả, PR lố
Không chỉ những người nổi tiếng, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, mà các TikToker, người buôn bán nếu kinh doanh hàng giả, PR sản phẩm lố vẫn bị xử lý.

Thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh dược online
Kinhtedothi - Ngày 21/4, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 1136 /QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, TP về việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược.