Bồi thường oan sai: Quy định chặt để tránh “đá bóng” trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan nào gây ra oan sai thì phải bồi thường - đó là một trong những nội dung được thống nhất khi Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được UBTV Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp vừa qua.

Phải xử lý theo hệ thống
Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, và các phiên họp của UBTV Quốc hội, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Như phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, mô hình cơ quan giải quyết, nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường, các chi phí khác được bồi thường, kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 2 từ trái sang) đã được TAND cấp cao tại Hà Nội trả hơn 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường, Dự Luật đã sửa đổi theo phương án: Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; đồng thời, bổ sung “Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự” (khoản 3 Điều 35 Dự Luật) để thống nhất với quy định tại Điều 10 Luật Thi hành án hình sự. Tuy nhiên, về xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bản án của Tòa án tuyên bị cáo có tội bị Tòa án cấp cao hơn hủy, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, vẫn còn ý kiến khác nhau trong việc xác định cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo nên oan sai thì cơ quan đó phải xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. Quá trình tạo nên lỗi gây ra trong cả giai đoạn dài, việc cơ quan sau cùng phải xin lỗi là chuẩn, nhưng việc quy trách nhiệm phải xử lý theo hệ thống. Sai ở khâu kiểm sát thì phải truy cả trách nhiệm của phần điều tra để cộng đồng trách nhiệm chứ không thể để cảnh các cơ quan “chuyền bóng” cho nhau, cơ quan này đẩy được việc qua cơ quan kia là xong phần mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng khẳng định, quá trình tố tụng có liên đới lẫn nhau giữa các khâu, các cơ quan. Nhưng quan điểm vẫn là cơ quan nào gây ra oan sai, cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường. Sau này xem xét trách nhiệm liên đới sẽ xác định việc bồi hoàn cụ thể.
Không nên thành lập quỹ
Kinh phí bồi thường cũng là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; cử tri rất băn khoăn về vấn đề Nhà nước lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai. Do đó, có ý kiến đề nghị cần thành lập một quỹ độc lập. Nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội… Nếu có sự tách bạch rõ ràng này thì người dân sẽ cảm thấy minh bạch hơn, tiền bồi thường oan sai không phải lấy từ tiền thuế họ đóng vào ngân sách.
Nhưng trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội cho rằng, khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ cũng là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động của Nhà nước phải do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm. Nhà nước bồi thường oan sai phải lấy tiền từ ngân sách. Nếu người dân không hiểu rõ, phải giải thích cho người dân, lấy từ khoản nào, nguồn thuế, nguồn xử phạt, hay các khoản thu khác. Cá nhân hay tổ chức nhân danh Nhà nước xử lý không đúng thì tiền bồi thường phải lấy từ ngân sách Nhà nước. Không nên lập quỹ vì nước ta đã có quá nhiều quỹ, quỹ cũng trích từ ngân sách, hơn nữa việc thành lập quỹ lại làm tăng bộ máy biên chế.
Về trình tự giải quyết bồi hoàn, giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan khác vẫn có quan điểm khác nhau. Cơ quan Chính phủ muốn thực hiện qua cơ quan giải quyết bồi thường, sau đó muốn thỏa thuận thế nào sẽ thực hiện tiếp. Nhưng đa số ý kiến hiện nay tán thành với việc tôn trọng quyền lựa chọn của người bị oan sai, tạo cho người dân có nhiều cơ hội hơn để bảo về quyền lợi của mình.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, điều quan trọng của Dự Luật này là làm sao nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ với chức danh có thẩm quyền, nhưng cũng không làm chùn tay cán bộ thực thi công vụ.