Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá trẻ Việt Nam: Khoảng trống không dễ lấp đầy

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thành công lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup cách đây 2 năm của lứa cầu thủ U19, bóng đá trẻ Việt Nam đang có sự chững lại khi liên tiếp nhận thất bại tại các giải đấu trong khu vực cũng như châu lục. Người hâm mộ đang đặt dấu hỏi lớn về công tác đào tạo bóng đá trẻ ở nước ta.

Sẽ chỉ còn là hoài niệm
Một thập kỷ vừa qua, bóng đá trẻ Việt Nam đã đạt được không ít thành công trong khu vực cũng như châu lục. Cách đây 2 năm, dưới dự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, lứa cầu thủ Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Dũng, Văn Hậu... lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt tại vòng bán kết của giải U19 châu Á. Qua đó giành quyền vào chơi vòng chung kết FIFA World Cup U20 năm 2017. Tại giải đấu mang tầm vóc thế giới, dù chúng ta phải ra về ngay từ vòng bảng nhưng U20 Việt Nam vẫn để lại những dấu ấn đậm nét đối với bóng đá thế giới.
 Tiền vệ Quang Hải là cầu thủ trẻ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tú
Cũng trong năm 2016, bóng đá trẻ Việt Nam lập chiến công cho thể thao nước nhà khi U16 Việt Nam do HLV Đinh Tiến Nam dẫn dắt cũng lọt đến vòng tứ kết của giải U16 châu Á. Hơn thế nữa, vào các năm 2010 và 2017, U15 Việt Nam đã xuất sắc bước lên đỉnh cao Đông Nam Á, thậm chí đánh bại chính người Thái ở trận chung kết dưới thời của HLV Hoàng Văn Phúc và HLV Vũ Hoàng Việt. Bên cạnh 2 chức vô địch, U15 Việt Nam thêm một lần giành ngôi á quân vào năm 2016, dưới thời HLV Đinh Tiến Nam.

Chẳng kể đâu xa, đầu năm nay, U23 Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử tại vòng chung kết U23 châu Á. Lần đầu tiên ở giải đấu châu lục, có một đội bóng Đông Nam Á đi đến trận chung kết. Từ những thành quả này, nhiều người hy vọng đây sẽ là tiền đề, tạo ra cú hích để bóng đá trẻ Việt Nam tiếp tục vươn tầm khu vực và thế giới trong chặng đường tiếp theo.

Tuy nhiên, đó sẽ chỉ là hoài niệm của quá khứ bởi ít nhất là đến thời điểm này, bóng đá trẻ đã bộc lộ những điểm yếu. Chúng ta đã nhận thất bại ở các giải U16 và U19 Đông Nam Á cách đây không lâu khi cả hai đội của Việt Nam đều bị loại từ vòng bảng dù U16 dự giải với tư cách đương kim vô địch.

Thay đổi là cần thiết và cấp bách

“Trước đây, bạn bè thế giới biết đến Việt Nam là một đất nước vĩ đại trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày hôm nay, họ còn biết đến Việt Nam là quốc gia có nền bóng đá phát triển. Nó không chỉ dừng lại ở sự ảnh hưởng đối với đất nước các bạn mà còn đối với khu vực, châu Á và cả thế giới. Tôi cho rằng những thành công có được, chúng ta đều phải có sự nỗ lực, niềm đam mê trong công việc. Đó là những gì tôi nhận thấy được ở VFF” - người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino từng chia sẻ.

Chúng ta có một lịch sử hào hùng, một nền tảng về bóng đá đã được gây dựng qua nhiều năm, nhưng nghịch cảnh là những lò đào tạo bóng trẻ trước như SLNA, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Khánh Hòa đang hụt hơi, không còn trở thành “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá nước nhà. Thậm chí, cái tên TP Hồ Chí Minh với lứa cầu thủ ra trường khoảng cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000 như Hữu Thắng, Quang Thanh…, thì đến nay bóng đá trẻ TP Hồ Chí Minh đã biến mất trên bản đồ bóng đá nước nhà, không có nổi một cầu thủ trong các đội trẻ quốc gia.

Rõ ràng, sau lứa “cầu thủ vàng” đã tạo nên những kỳ tích vừa qua, bóng đá Việt Nam đang có một khoảng trống nhất định, không dễ lấp đầy. Điều này báo động cho sự phát triển trong tương lai, khi mà World Cup sẽ nâng số đội từ 32 lên 48 nước, thì đây cũng sẽ là một giấc mơ xa vời, viển vông.

Từ những thất bại của các lứa cầu thủ trẻ trong thời gian qua, lời khuyên của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho bóng đá Việt Nam đang thiết thực hơn lúc nào hết: “Làm việc, làm việc và làm việc”. Chúng ta đang cần nhiều hơn nữa những lò đào tạo như: CLB Hà Nội, HAGL, Viettel và PVF, nơi đã sản sinh ra lứa cầu thủ trẻ chất lượng như Quang Hải, Duy Mạnh, Công Phượng, Xuân Trường, Đức Chinh... Đây là điều minh chứng rõ nhất cho sự đầu tư có chiều sâu, chiến lược rõ ràng và có mục tiêu cụ thể.