BRICS dám khởi đầu?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, thế giới bàn thảo sôi nổi xoay quanh việc nhóm BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - có thể sớm công bố việc tạo ra một loại tiền tệ giao dịch riêng được hỗ trợ bằng vàng, đe dọa sự thống trị của đồng USD.

Những đồn đoán

Tác giả cuốn sách bán chạy đình đám “Cha giàu Cha nghèo” Robert Kiyosaki - người từng dự báo chính xác về sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 - mới đây đã đưa ra nhận định về sự “hết thời” của đồng USD, trích dẫn hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới ở Nam Phi như một yếu tố kích hoạt. Kiyosaki dự đoán rằng nhóm BRICS sẽ công bố loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bằng vàng mới của họ trong cuộc gặp cấp cao vào ngày 22 - 24/8 tới.

“Ngày 22/8/2023, tại Johannesburg, Nam Phi, các quốc gia BRICS công bố tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng. USD sẽ chết” - Kiyosaki viết trên trang Twitter cá nhân hôm 11/7, cảnh báo “một sự sụp đổ khổng lồ sắp xảy ra”.

Tuần trước, đài truyền hình nhà nước RT của Nga cũng đưa tin rằng BRICS đã sẵn sàng tung ra một loại tiền tệ giao dịch mới được hỗ trợ bởi vàng, trích dẫn một thông báo trên Twitter của Đại sứ quán Nga tại Kenya.

Dòng tweet nêu rõ: “Các quốc gia BRICS đang có kế hoạch giới thiệu một loại tiền tệ giao dịch mới, sẽ được hỗ trợ bằng vàng. Gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia BRICS”.

Nhà máy sản xuất ô tô tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Nhà máy sản xuất ô tô tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trả lời các báo cáo gần đây, Leslie Maasdorp, Phó Chủ tịch và là CFO của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) - ngân hàng riêng của BRICS - nói rằng việc tạo ra một loại tiền tệ chung hiện chưa nằm trong kế hoạch của nhóm lúc này.

Ông nói với Bloomberg: “Việc phát triển bất cứ thứ gì thay thế thực sự là một tham vọng về trung và dài hạn. Tất cả những gì chúng tôi đề xuất lúc này là cần tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên và theo thời gian, điều đó sẽ tăng cường khả năng miễn dịch hoặc bảo vệ các nền kinh tế của chúng ta khỏi sự mất giá của đồng tiền quốc nội nếu chúng tôi vay bằng USD chẳng hạn”.

Anil Sooklal - Đại sứ Nam Phi tại BRICS - tuần này trả lời tại họp báo chính thức rằng chưa có thông báo nào về kế hoạch ra mắt tiền tệ mới nằm trong chương trình nghị sự tháng 8 tới.

Nhưng cũng tại cuộc họp báo, ông Sooklal lưu ý rằng hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối các nền kinh tế lớn đang phát triển. Và đây được cho là một mối đe dọa đáng kể hơn nhiều đối với vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới của đồng USD, hơn là một cuộc thảo luận chính thức của nhóm về bản vị vàng.

Có thể không phải tất cả 40 quốc gia sẽ được chấp nhận vào liên minh BRICS, nhưng nó vẫn có thể đủ lớn để các quốc gia có thể giao dịch với nhau mà không cần phải sử dụng đồng USD. Chính Đại sứ Sooklal cũng đã lưu ý đến khả năng giảm giá của đồng USD: “Thời của một thế giới lấy đồng USD làm trung tâm đã qua. Đó là một thực tế. Ngày nay chúng ta đang có một hệ thống thương mại toàn cầu đa cực”.

Kỳ vọng vào cuộc gặp tháng 8

Hội nghị thượng đỉnh tháng 8 của BRICS - một liên minh lấy kinh tế làm trung tâm - tại Johannesburg, lẽ ra sẽ là một sự kiện hội nghị thượng đỉnh thông thường, tập trung vào phát triển giao thương giữa các thành viên. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra dường như đã khiến nó trở nên đặc biệt.

Nhìn lại lịch sử, chính trị quốc tế cũng thường chịu ít nhiều động lực từ các sự kiện nhỏ tưởng chừng không liên quan: cái chết của Julius Ceaser là công cụ biến Cộng hòa La Mã thành một Đế chế; hay vụ ám sát Archduke Franz Ferdinand của Áo đã dẫn đến Thế chiến I.

Do đó, không khó hiểu khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đang tạo ra những tác động tương tự đối với chính trị thế giới, mà trong phạm vi lúc này là dấy lên một cuộc đua giành ưu thế về kinh tế.

Cuộc chiến ở Ukraine được nhìn nhận theo những chiều hướng khác nhau bởi Nga, phương Tây do Mỹ dẫn đầu và “gã khổng lồ” kinh tế mới nổi Trung Quốc. Moscow coi đây là hành động bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, là “cuộc chiến vì sự sống còn” khi phải tìm cách ngăn NATO mang kho vũ khí đến sát biên giới phía Tây của Nga thông qua việc kết nạp Kiev.

Mỹ thì coi đây là một thách thức trực tiếp đối với quyền bá chủ của mình và quyền tự do của Ukraine trong việc lựa chọn các liên minh chính trị - quân sự.

Châu Âu bị kẹp giữa các lợi ích kinh tế của mình, giữa việc cung cấp dầu khí của Nga và các áp lực chiến lược liên quan đến Mỹ cũng như NATO. Một cuộc chiến kéo dài trong khu vực sẽ gây bất lợi cho lợi ích kinh tế lâu dài của Đức và Pháp. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua sự miễn cưỡng gần đây của Berlin trong việc đóng góp vào các nỗ lực chiến tranh chống lại Nga.

Tuy nhiên, với Trung Quốc, đây là một cơ hội để thúc đẩy chương trình nghị sự ngang bằng về kinh tế với Mỹ. Thống kê kinh tế nói chung chỉ ra rằng Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 - 2040, nhưng nước này được tin vẫn sẽ không thể thách thức vị thế bá chủ của Mỹ, ít nhất là trong 4 thập kỷ tới.

Liên quan đến vấn đề này, sự thống trị của đồng USD - thông qua hệ thống ngân hàng SWIFT và đặc biệt là mối liên kết với giao dịch dầu - đang là thước đo kiểm soát sự vượt trội của đồng USD so với tất cả các loại tiền tệ khác.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã dẫn đến việc Mỹ đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối và khiến hệ thống ngân hàng của Nga bị gián đoạn nghiêm trọng. Tất cả các cường quốc kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Brazil và Argentina đều đã trở nên cảnh giác với việc “vũ khí hóa” đồng USD.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã coi đây là cơ hội để nhân dân tệ trở thành đồng tiền đáng tin cậy của phương Đông. Kết quả, Nga bắt đầu giao dịch với Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Ấn Độ cũng đã làm theo và bắt đầu thanh toán cho Nga bằng đồng rúp trong các thương vụ dầu mỏ giữa hai nước.

Do đó, sự xuất hiện của một hệ thống tài chính thay thế, được khuấy động bởi môi trường địa chính trị, được tin là bước đi trước thời đại, và cũng là cơ hội để Trung Quốc nổi lên như một siêu cường.

Tận dụng cơ hội, Bắc Kinh cũng đã tăng cường quan hệ với Ả Rập Saudi với tư cách là đối tác chiến lược, một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ngoài thỏa thuận thương mại dầu mỏ với Trung Quốc hồi tháng 12/2022, Riyadh cũng đang có xu hướng trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ngoài ra, Ả Rập Saudi cũng đang phát triển theo hướng “BRICS hóa” và hợp tác tài chính với ngân hàng NDB. Một số quốc gia Nam Á cũng đang có xu hướng tham gia hệ thống tài chính BRICS, cùng với một số quốc gia Trung Đông khác.

Trong bối cảnh đó, bất chấp những phủ nhận đã được đưa ra, chương trình nghị sự hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 trong tháng tới vẫn được kỳ vọng sẽ xem xét một loại tiền tệ mới - một giải pháp có thể thay thế SWIFT - cho thấy rõ mong muốn của các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới về việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Các quốc gia BRICS cũng đã có dấu hiệu cân nhắc về tiền điện tử và sự liên kết của các loại tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương thành viên, nhằm tăng khả năng tương tác và thanh toán thương mại. Mặc dù có thể còn lâu mới soán ngôi được đồng USD, nhưng tất cả những động thái trên liệu có là khởi đầu của sự suy yếu?