Bức xúc tuyển sinh đào tạo nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các trường nghề được quyết định chỉ tiêu, tuyển sinh nhiều lần trong năm, nhưng “cửa" vào đại học (ĐH) rộng mở như hiện nay thì nguy cơ khó tuyển là điều không tránh khỏi.

Vì thế câu hỏi "Giải pháp nào giúp trường nghề thu hút được người học?" đang được đặt ra đối với các cơ quan quản lý khi mà tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn đang tồn tại bấy lâu nay.
Khó tiếp cận thí sinh
Tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 4/4, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) đứng ngồi không yên khi năm nay, Bộ GD&ĐT lúc đầu dự kiến không có điểm sàn vào ĐH, sau lại có. Cộng với các quy định “mở” cho phép thí sinh (TS) đăng ký không hạn chế nguyện vọng ngành và trường, đã tác động lớn đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh

Các trường đào tạo nghề càng sốt ruột hơn khi từ 1/4, học sinh lớp 12 bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH trên phần mềm của Bộ GD&ĐT. Song đến nay, Tổng cục Dạy nghề vẫn chưa phát hành thông tin tuyển sinh TC, CĐ năm 2017 tới người học qua các kênh. Còn các trường nghề, khi chuyển về Bộ LĐTB&XH, không có cơ hội tiếp cận học sinh để tư vấn nghề. “Đã hết quý I, mùa tuyển sinh đang đến, nhưng chúng tôi chưa được cấp phép chương trình đào tạo. Chúng tôi không thể dừng đào tạo được, dừng lại là chết...” - ông Vũ Văn Đoan – Hiệu trưởng Trường CĐ Thủy lợi Bắc Bộ bức xúc. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường CĐ Dược Hải Dương Nguyễn Thị Hường than phiền: “Mùa tuyển sinh năm ngoái, TS có mẫu phiếu số 2 để đăng ký với trường. Năm nay, khi chúng tôi về Bộ LĐTB&XH, trong mẫu đăng ký của Bộ GD&ĐT không có mã các trường CĐ để TS đăng ký, khiến các em hoang mang. Tôi đề nghị Tổng cục Dạy nghề có giải pháp cấp bách, truyền thông tới người học đăng ký trực tiếp về các trường. Nếu không, với tình trạng này, công tác tuyển sinh dạy nghề sẽ càng khó khăn hơn”.
Trường đặc thù có cơ chế riêng?
Tuy các trường CĐ và TC chuyên nghiệp đã về ngôi nhà chung của Bộ LĐTB&XH được 3 tháng nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng và chuyển đổi xong chương trình đào tạo nghề. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, khó khăn lớn nhất của các trường CĐ, TC trực thuộc Bộ này chính là chuyển đổi chương trình. “Chúng tôi sẽ phân công những trường mạnh về ngành nghề mời chuyên gia các trường, DN cùng xây dựng chương trình; song khi chuyển đổi chương trình phải có kinh phí. Cùng với cơ sở đào tạo, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ trong việc này”. Bà Lê Thị Hồng Hoa – Hiệu trưởng Trường TC Y dược Lê Hữu Trác cho rằng, việc chuyển đổi chương trình không nên vội vã cho dù đã muộn. “Trước đây khi trực thuộc Bộ Y tế, chúng tôi lăn lê bò toài 2 tuần cũng chưa xong. Vì vậy, Tổng cục Dạy nghề và Sở LĐTB&XH cho các trường chuyển đổi sau rồi duyệt, nếu không sẽ lỡ mất cơ hội tuyển sinh”. 
Tại hội nghị này, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở lĩnh vực sức khỏe, văn hóa nghệ thuật cũng đưa ra những khó khăn trong hoạt động đào tạo nghề với mong muốn có hội nghị riêng với sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành quản lý về chuyên môn để được trình bày nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị về chuyển đổi nghề, đào tạo liên thông, cơ chế đặc thù. Đại diện Trường CĐ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du đề nghị Tổng cục Dạy nghề có giải pháp tháo gỡ vấn đề đang gặp phải. Theo quy định, lớp dạy nghề có từ 15 - 18 học sinh, nhưng đào tạo đặc thù về văn hóa nghệ thuật có khi chỉ 1 em như lớp học piano, đàn một dây. Vậy thu học phí thế nào, có đủ để giáo viên dạy? Rồi học sinh Nguyễn Du có em học nghề từ bậc tiểu học vì có năng khiếu, cần được nuôi dưỡng mới thành tài, vậy có được miễn học phí học nghề như quy định đối với học sinh tốt nghiệp THCS? Hay vấn đề kinh phí đào tạo loại hình này, không chỉ giáo viên, học sinh mà còn trang thiết bị có giá trị rất lớn...