Bước chuyển mạnh trong phát triển kinh tế tập thể

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch, đôn đốc, chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện, thị xã trong tổ chức triển khai. Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hiệu quả hoạt động.

Xóa bỏ HTX hoạt động kém hiệu quả
Ngay sau khi Quyết định số 461 có hiệu lực, UBND TP đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-UBND để tổ chức triển khai sâu rộng ở các cấp, sở ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể hóa quyết định trên, TP đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tại cơ sở. Đơn cử như: Quyết định số 4850/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020”; Quyết định số 437/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch số 192/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển HTX trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020…
 Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh).
Các sở ngành, chủ lực là Sở NN&PTNT Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ về củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX. Đặc biệt là hỗ trợ tích cực giúp các HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh… Hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật, các văn bản của T.Ư và TP về kinh tế tập thể; thông tin, tuyên truyền về các mô hình HTX kiểu mới, HTX điển hình tiên tiến. Chú trọng kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, liên hiệp HTX…

Một trong những nội dung quan trọng trước khi tiến hành củng cố các HTX, liên hiệp HTX là tập trung xóa bỏ, giải thể, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị đã dừng hoạt động lâu ngày hoặc kém hiệu quả. Trong 3 năm triển khai Quyết định số 579, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hướng dẫn 18 HTX thực hiện giải thể theo quy định, hiện đang tiếp tục tư vấn, hỗ trợ 145 HTX thực hiện các bước giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX

Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 579 của UBND TP. Theo đó, hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát, hướng dẫn các HTX trên địa bàn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tính đến nay, toàn TP đã có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 52 mô hình có sự tham gia của các HTX. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể tới như: Canh tác rau hữu cơ của HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì); Thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai)…

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX, liên hiệp HTX với các tổ chức, DN, chủ thể được tăng cường, đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được 141 mô hình liên kết. Trong đó, có 71 chuỗi liên kết chuỗi giá trị có sự tham gia tích cực của các HTX. Tiêu biểu như: Lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ); Rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì); Mạ khay của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thắng (huyện Phú Xuyên)…

Đặc biệt, từ năm 2019, khi UBND TP triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX, liên hiệp HTX đã rất tích cực nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng. Tính đến nay, đã có 31 HTX tham gia Chương trình với tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá, cấp sao là 106 sản phẩm.

Chú trọng nâng chất cán bộ

Đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX của Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực về căn bản trong hiệu quả hoạt động. So với mục tiêu kế hoạch đặt ra, khu vực kinh tế tập thể đạt kết quả vượt ở các chỉ tiêu về thành lập mới HTX, số HTX ứng dụng công nghệ cao và phát triển số lượng liên hiệp HTX. Tuy nhiên, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả của Hà Nội ước đến hết năm 2020 chỉ đạt khoảng 800 HTX, thấp hơn so với mục tiêu 908 HTX đã đề ra.

Để tạo chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được xem là nhiệm vụ tiên quyết. Thực tế hiện nay, một bộ phận thành viên HTX vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Tư duy của lãnh đạo tại nhiều HTX còn chậm đổi mới... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, xác định nâng cao chất lượng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, trong 3 năm qua, đơn vị đã tổ chức 75 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 4.500 cán bộ các HTX. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, điều hành các HTX, liên hiệp HTX…

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, hướng đến các lĩnh vực dịch vụ có sức cạnh tranh cao hơn. Nghiên cứu, đề xuất UBND TP có chính sách về tích tụ ruộng đất để các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên canh, tập trung, ứng dụng công nghệ cao…

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.065 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Số lượng HTX được thành lập mới từ khi triển khai Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay là 156 HTX.


"Liên quan đến việc giải thể 145 HTX nông nghiệp hiện đã dừng hoạt động, đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; đặc biệt là các vấn đề như: Không liên hệ được với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; mất giấy chứng nhận đăng ký HTX, con dấu, tài liệu, sổ sách... Cùng với đó, xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT về hướng dẫn, phân loại và đánh giá HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tránh chồng chéo với Thông tư số 01/2020/TT-KKHĐT vừa được Bộ KH&ĐT ban hành." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường