Bước ngoặt nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã phóng một loạt tên lửa mới về phía Ukraine hôm 6/12 (giờ địa phương), sau khi Moscow cáo buộc Kiev tấn công các sân bay quân sự nằm sâu chưa từng có trong lãnh thổ của Nga.

Một quân nhân Ukraine triển khai UAV trong chiến dịch tấn công các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: AP
Một quân nhân Ukraine triển khai UAV trong chiến dịch tấn công các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: AP

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hai căn cứ máy bay ném bom chiến lược ở vùng Ryazan và Saratov của nước này đã bị máy bay không người lái (UAV) tấn công vào sáng 5/12. Các mảnh vỡ từ UAV bị lực lượng phòng không bắn hạ đã giết chết 3 quân nhân và gây hư hại nhẹ cho 2 máy bay ném bom. Chưa đầy 24 giờ sau, sân bay vùng Kursk của Nga tiếp tục bị UAV không kích vào sáng 6/12, khiến một bể chứa dầu bốc cháy.

Các UAV xuất hiện trong 3 cuộc không kích đều là máy bay đã được sửa đổi thiết kế của Liên Xô cũ, không phải là những thiết bị mà phương Tây hỗ trợ Kiev trong năm nay. Tuy nhiên, giới chức và truyền thông Nga cáo buộc các vụ tấn công đến từ phía Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga gọi đó là "hành động khủng bố" và đã tiến hành một cuộc oanh tạc cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine để đáp trả.

Nhà phân tích quân sự Ukraine Serhiy Zgurets lưu ý trên trang web của Espreso TV rằng các căn cứ không quân bị tấn công là cơ sở duy nhất ở Nga có thể phục vụ đầy đủ các máy bay ném bom, được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine. Đây cũng là những mục tiêu sâu nhất trong lãnh thổ Nga từng bị tấn công kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm nay: Căn cứ Ryazan chỉ cách thủ đô Moscow khoảng 185km về phía Tây Nam, trong khi Saratov cách biên giới Ukraine chưa đầy 645km. Các nhà bình luận quân sự Nga nhấn mạnh rằng nếu Ukraine có thể tấn công sâu như vậy bên trong nước Nga, thì họ cũng có khả năng tấn công Moscow.

Chính phủ Kiev đến nay vẫn không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công, nhưng một quan chức cấp cao của Ukraine đã xác nhận với tờ New York Times rằng ít nhất một trong số các UAV đã được phóng từ Ukraine, và một trong những cuộc tấn công đã được thực hiện với sự trợ giúp của "các lực lượng đặc biệt gần căn cứ của Nga".

Trước những nghi vấn về khả năng phương Tây đã cung cấp những sự hỗ trợ nhất định cho Kiev, bao gồm thông tin tình báo quan trọng của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington "không khuyến khích hay giúp Ukraine có khả năng tấn công vào sâu trong đất Nga". Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ vẫn sẽ cùng các đồng minh bảo đảm cho Ukraine "có phương tiện họ cần để tự vệ, bảo vệ lãnh thổ và quyền tự do".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bỏ qua câu hỏi của giới truyền thông về thông tin Mỹ triển khai các bệ phóng tên lửa HIMARS đã được sửa đổi đến Ukraine, khiến chúng không thể sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa. Lãnh đạo Lầu Năm Góc chỉ nói rằng "sẽ không ngăn Ukraine" phát triển các thiết bị tầm xa.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo Washington rằng việc hỗ trợ quân sự, đặc biệt là vũ khí hạng nặng, cho Ukraine có nguy cơ vượt "lằn ranh đỏ" của Nga, đẩy Mỹ và NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis - cựu tổng Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu - cho biết các cuộc tấn công nhằm vào các sân bay của Nga vừa qua đánh dấu một bước ngoặt mới và nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine, cũng như phát đi tín hiệu rằng trong tương lai sẽ có những nỗ lực khác nhằm vào các cơ sở quân sự tương tự trên lãnh thổ Nga. 

"Những cuộc tấn công này có thể đã được điều chỉnh để thể hiện mục đích biểu dương năng lực của Ukraine. Trong tương lai, Kiev có thể thực hiện các cuộc tấn công lớn hơn, nhưng sẽ thận trọng chỉ tấn công các mục tiêu quân sự thuần túy" - cựu Đô đốc Mỹ nhận định.