Buýt BRT - lời giải cho giao thông Hà Nội

Nguyễn Hồng Sơn (Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT)
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Lịch sử phát triển đô thị của nhiều nước phát triển đã chứng minh, đầu tư phương tiện công cộng (trong đó có buýt BRT) là một hướng đi tất yếu.

Quá trình này thường vấp phải sự phản ứng của số đông người thích dùng phương tiện cá nhân. Nó cũng giống như câu chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm từng được phản biện gay gắt.
Ý thức chuyển biến chậm
Kể từ ngày buýt BRT đi vào hoạt động cho đến thời điểm hiện tại, dư luận chưa bao giờ thôi đặt câu hỏi: BRT có thực sự nhanh so với buýt thường? Hay lợi ích có xứng với kinh phí đầu tư? Hầu hết số đông đều tư duy hiệu quả của BRT nằm ở mức độ nhanh chóng về thời gian. Nhưng theo các chuyên gia giao thông, không nên hiểu chữ "nhanh" theo kiểu chạy nhanh hơn vài phút. Về dài hạn, không bị vướng vào ùn tắc, luôn luôn có giờ chạy ổn định, tạo ra tính nhanh “bền vững” mới là điểm mấu chốt của BRT. Trong tương lai, khi lượng ô tô tăng thêm lên thì buýt thường khó duy trì tốc độ như bây giờ, việc phát triển BRT vì vậy là cần thiết.

Xe buýt BRT chạy trên đường Láng Hạ.  Ảnh: Quỳnh Linh

Thực thế những ngày qua, buýt BRT chưa chứng minh được sự tích cực nên số đông nhanh chóng ca thán mà “quên” đi nỗi khổ buýt BRT đang phải gánh chịu. Dù có làn riêng, nhưng buýt nhanh vẫn bị nhiều chủ phương tiện khác tạt đầu, đến đèn đỏ vẫn phải dừng chờ. Như vậy, không nên trách “buýt BRT”, mà cần hiểu rõ ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chuyển biến “chậm”. TS Phan Lê Bình - chuyên gia JICA cho rằng, buýt BRT khó nhanh khi tính kỷ luật chỉ nửa vời và chính quyền chưa kiên quyết dành làn riêng cho loại hình giao thông này.
Các chuyến xe buýt nhanh chạy trên trục đường Giảng Võ – Láng Hạ, Lê Văn Lương - Tố Hữu luôn phải giảm tốc do vấp phải sự cản trở của mật độ phương tiện giao thông. Không chỉ có ô tô mà người đi xe máy cũng nghênh ngang trước mũi buýt nhanh. Hầu hết các hành khách đã trải nghiệm buýt BRT đều thừa nhận, ý thức của một số người tham gia giao thông rất kém. Vào những ngày nghỉ, cũng không phải là giờ cao điểm, đến các điểm ngã ba, ngã tư, phần đường dành cho xe buýt nhanh gần như bị chắn hoàn toàn bởi các phương tiện khác. “Tài xế BRT dù bấm còi liên tục cũng vô ích, dẫn đến việc phải phanh gấp liên tục. Do đó tôi đề xuất nên có chế tài xử lý phạt thật nặng đối với trường hợp cố tình vô ý thức này" – hành khách Nguyễn Tiến Khoa (Thanh Xuân – Hà Nội) bức xúc.
Nâng cao sự tự giác phối hợp
Trong điều kiện giao thông chưa đồng bộ của Hà Nội hiện nay, buýt nhanh có thể chưa vận hành hiệu quả như mong đợi. Bởi không ai chỉ sử dụng BRT là có thể đáp ứng nhu cầu đi lại. Hành khách cần phải đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác để đi từ nhà đến nhà chờ xe BRT và đi bến xe BRT tới điểm đến cuối cùng. Đồng thời, khi hành khách muốn di chuyển sang tuyến khác sẽ phải đi bộ khá xa. Do vậy, việc kết hợp buýt BRT với các phương tiện giao thông công cộng hay những phương tiện lưu thông khác là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh đó, đường dẫn vào các nhà chờ buýt nhanh khá dài, khiến nhiều người dân ái ngại. Thậm chí, nhiều người cao tuổi vẫn còn chưa biết lối vào điểm bến để lên xe. Vì vậy, cần có nhân viên hướng dẫn tại các nhà chờ để chỉ dẫn người dân, tránh xảy ra các trường hợp xảy ra tai nạn đáng tiếc khi hành khách đón xe không đúng quy cách.
Song song với việc vận hành hoạt động tuyến xe buýt nhanh, các lực lượng chức năng cần phải theo dõi, điều chỉnh, khắc phục những phát sinh giữa xe buýt nhanh với các phương tiện giao thông cá nhân khác để giảm ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm. Cần có một hệ thống đèn tín hiệu giao thông riêng dành cho xe buýt BRT và các phương tiện khác tại mỗi nút giao, tránh trường hợp xe buýt nhanh phải dừng lại chờ các phương tiện khác qua đường.
Các cấp chính quyền cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân bằng những biện pháp như tăng cường triển khai các kế hoạch tuyên truyền thông qua báo chí; tạo ý thức cho người dân về việc ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng. Từ đó, để cộng đồng thông cảm và chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp nhận thêm một luồng tuyến giao thông công cộng mới. Mặc dù áp lực giao thông sẽ ảnh hưởng đến vận hành tuyến xe buýt nhanh, nhưng với sự phối hợp của các lực lượng chức năng cùng với sự thông cảm, chia sẻ của cộng đồng sẽ góp phần làm thay đổi ý thức giao thông của người dân, xây dựng nếp sống văn minh hiện đại.