Cà Mau hỏa tốc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngay sau khi phát hiện nghi ngờ có ca nhiễm đậu mùa khỉ trên địa bàn, Cà Mau đã hỏa tốc triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống nhằm tránh lây lan trong cộng đồng.

Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ (ảnh minh họa)
Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ (ảnh minh họa)

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện một số tỉnh/thành trên cả nước với diễn biến lây lan phức tạp. Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch trên địa bàn, Cà Mau đã chủ động tăng cường các biện pháp ngay từ khi phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên.

Ca nhiễm đầu tiên

Ngày 1/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, liên quan đến 1 trường hợp bệnh nhân ngụ tại tỉnh Cà Mau đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa có kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân này dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân C.V.B, làm nghề lao động tự do, địa chỉ tại xã Định Bình, TP Cà Mau. Ngày 19/2/2024, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau rát vùng dương vật và xuất hiện mụn mủ nên đi khám và điều trị tại một phòng khám đa khoa tư nhân. Sau khi thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng không giảm, ngày 22/2, bệnh nhân xuất hiện nhiều mụn mủ, bóng mủ đa kích thước, số lượng nhiều, ở vùng mặt, cổ, cánh tay, bàn tay, bàn chân, cẳng chân, bìu dương vật... Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau khám và được tư vấn đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ. Ngay sau khi phát hiện, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan điều tra dịch tễ và phát hiện gia đình bệnh nhân B. có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em bệnh nhân hiện đang sinh sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Cán bộ y tế đã truy vết và giám sát người tiếp xúc gần, khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch khu vực nhà ở của người bệnh tại xã Định Bình và gia đình ở xã Nguyễn Phích. Đồng thời hướng dẫn cách xử lý vật dụng như quần áo, chăn màn, drap gối của người bệnh và động viên bệnh nhân và người thân yên tâm chờ kết quả xét nghiệm, sau đó sẽ có hướng xử lý tiếp theo.

Tăng cường phòng chống

Ngay sau khi phát hiện ca nghi nhiễm, ngày 28/2/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc số 1405/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND  các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị kịp thời, hiệu quả và xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa số mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với Sở Y tế, khi ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Giám sát chặt chẽ dịch trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh để điều trị, xứ lý kịp thời ổ dịch, không đê dịch lây lan ra cộng đồng. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận thông tin, tư vấn, hỗ trợ người dân về khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Ông Nguyễn Quan Phú, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chông bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; phát hiện sớm, tiến hành điều tra làm rõ các yếu tố dịch tễ liên quan; điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng bằng nhiều hình thức.”

 

Tiêu đề

Khuyến cáo của ngành y tế về phòng bệnh đậu mùa khỉ:

  1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
  4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
  5. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
  6. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
  7. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.