Vụ bán 20 khẩu trang “lời” 8.000 đồng: Cần hủy bỏ việc xử lý vi phạm với thầy Thanh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc một thầy giáo ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bán 20 chiếc khẩu trang và bị kiểm điểm, đã có rất nhiều bạn đọc là nhà giáo, viên chức, công chức, luật sư… phản ứng cách hành xử của Trường THCS Nguyễn Huân cũng như một số cơ quan chức năng của tỉnh này.

Nhà trường đã sai?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), đặt vấn đề việc Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân cho rằng thầy giáo Nguyễn Văn Thanh “bán khẩu trang với giá cao” cho học sinh trong trường là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch cúm Corona (Covid-19). Để từ đó xử lý “vi phạm” của thầy giáo, vậy việc xử lý này là đúng hai sai?
 Không những Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân và Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi đã không “sáng suốt” trong vụ việc...
“Theo quan điểm của tôi, trước tiên xét về thành phần xử lý vi phạm gồm: Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm văn thư và thầy giáo vi phạm. Thầy giáo là viên chức thì căn cứ theo Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức. Tại khoản 1 điều 17 quy định thành phần Hội đồng kỷ luật (HĐKL) đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có hành vi vi phạm bao gồm 3 thành viên. Đó là Chủ tịch HĐKL là người đứng đầu, hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị; một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn; một ủy viên kiêm thư ký. Như vậy, so sánh với cuộc họp xử lý vi phạm của thầy giáo Thanh, thì hội đồng của trường hùng hậu hơn nhiều so với HĐKL chỉ có 3 người theo pháp luật quy định”, luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định cái sai của nhà trường.
Cũng theo luật sư Lễ, nhà trường cho rằng thầy giáo Thanh đã vi phạm “bán khẩu trang với giá cao” cho học sinh trong trường là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, là cái sai thứ hai của trường. Bởi thực chất thầy Thanh có vi phạm “bán khẩu trang với giá cao” cho học sinh hay không, cần xem lại.
Rõ ràng, thầy Thanh mua 2 hộp khẩu trang y tế với giá 130.000 đồng/hộp (50 cái/hộp), quy ra bằng 2.600 đồng/cái, rồi bán lại với giá 3.000 đồng/cái, khoản lãi chênh lệnh là 400 đồng/cái. Nếu thầy không “bán khẩu trang với giá cao” tức bán hòa vốn 2.600 đồng/cái, mà học sinh đưa thầy 3.000 đồng thì thầy lấy đâu ra tiền lẻ đúng 400 đồng để trả lại cho học sinh? Hoặc nếu mỗi học sinh mua 2 cái là 5.200 đồng, nhưng học sinh đưa 6.000 đồng, thầy lấy đâu ra tiền lẻ đúng 800 đồng để trả lại cho học sinh? Vậy thầy có vi phạm “bán khẩu trang với giá cao” không?
Tiền “lời” của 20 khẩu trang không mua nổi ổ bánh mì
“Tôi khẳng định không có việc thầy giáo Thanh bán khẩu trang với giá cao. Đề nghị Ban Giám hiệu và Hội đồng xử lý vi phạm của nhà trường trả lời cho công luận biết. Nói về tiền lãi, tổng cộng thầy bán được 20 cái nhân 400 đồng/cái, lãi 8.000 đồng. Với khoản lãi như thế thì có phải là “bán khẩu trang với giá cao” trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 hay không? Có ý kiến cho rằng, sao thầy giáo không tặng cho học sinh khẩu trang mà mua bán kiếm lời? Nói ý kiến này thì cần xét đến trách nhiệm của nhà trường.
Vậy trong trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch cúm cho toàn thể học sinh hay không, mà để học sinh phải tự đi mua khẩu trang để dùng? Về thầy giáo, thầy có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cúm nhưng không có nghĩa là phải tự bỏ tiền túi mua khẩu trang phân phát miễn phí cho học sinh, bởi đó là trách nhiệm của nhà trường, nhà nước đối với học sinh”, luật sư Hồ Nguyên Lễ phân tích.
 ... mà còn có Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cũng tổ chức ''xác minh'' vụ thầy giáo bán 20 cái khẩu trang lời... 8.000 đồng!
Và cuối cùng là việc xử lý “vi phạm” đối với thầy giáo Nguyễn Văn Thanh “bán khẩu trang với giá cao”, theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, việc xử lý của Ban Giám hiệu nhà tường và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đầm Dơi quá… máy móc. Họ đã không xem xét đến chi tiết của vụ việc, Hội đồng nhà trường rất nhiều thành phần nhưng không xem xét kỹ thầy giáo có “bán khẩu trang với giá cao” cho học sinh khi hay không, khi mà thầy không thể có tiền lẻ để trả lại cho các cháu. Với lãi 8.000 đồng (chưa mua nổi ổ bánh mì - PV), trong khi thầy vượt hàng chục cây số để mua 2 hộp khẩu trang về bán, thì có xem là “bán khẩu trang với giá cao”?
“Hành vi của nhà trường và Phòng GD&ĐT kiểm điểm thầy giáo Nguyễn Văn Thanh là có dấu hiệu hàm oan cho thầy. Do đó cần hủy bỏ việc xử vi phạm của thầy giáo ngay và liền, trả lại danh dự và tinh thần cho thầy giáo để vững tâm tiếp tục trên con đường trồng người”, luật sư Hồ Nguyên Lễ, khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần