Các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh: Thái quá và bất cập

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 4/5, toàn TP Hà Nội có gần 900 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên… chính thức mở cửa đón học sinh đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy các nhà trường, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt những công việc cần thiết để bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những băn khoăn, lo lắng.
Ngay ngày đầu sau khi các em trở lại trường, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số hình ảnh, status…về sự vất vả của các cháu học sinh, đặc biệt là các em ở lứa tuổi Trung học cơ sở như phải đeo khẩu trang suốt 4 tiết học, kính chắn giọt bắn, không được bật máy lạnh trong thời tiết nắng nóng đầu hè… Tóm lại, có vẻ như các biện pháp bảo đảm an toàn đang được thực hiện một cách thái quá, trên mức cần thiết.
Rất may là những băn khoăn này đã sớm được giải tỏa. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 6/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần có biện pháp bảo đảm cho các cháu đến trường an toàn, bớt áp lực tâm lý. Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất nhận định Việt Nam đã bước sang giai đoạn học tập, sản xuất, sinh hoạt an toàn với các biện pháp phòng dịch được nới lỏng như đeo khẩu trang ở trên các phương tiện công cộng, bên ngoài các trường học, trụ sở, công sở.
Về việc học sinh đi học trở lại Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các nhà trường, cơ sở giáo dục nên bỏ các biện pháp giới hạn không khoa học, cực đoan như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ bằng nhựa, cấm bật điều hòa… không cần thiết và có hại cho sức khỏe. Với điều kiện các trường học đã được vệ sinh, khử khuẩn, trong trường học các cháu học sinh không bắt buộc phải đeo khẩu trang mà chỉ cố gắng không tiếp xúc trực tiếp, tránh giọt bắn, chịu khó rửa tay.
“Chúng ta thống nhất biện pháp để các cháu đến trường an toàn, khỏe mạnh và học tập cũng bớt áp lực tâm lý” - Phó Thủ tướng khuyến cáo.
Như vậy có thể thấy rằng, do quá lo lắng đến sự an toàn của học sinh, con em, và cũng có thể phần do áp lực của hai chữ “trách nhiệm”, mà một số địa phương, cơ sở giáo dục, trường học đã áp dụng những biện pháp quá mức cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cũng như trong những ngày chống dịch vừa qua cho thấy, tâm lý xã hội thường chuyển từ thái quá sang bất cập. Với quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thời gian qua hiện tượng tụ tập đông người không bảo đảm cự ly giãn cách tại các điểm vui chơi nghỉ dưỡng, các nhà hàng, không đeo khẩu trang nơi công cộng… đã xuất hiện. Với tâm lý từ thái quá sang bất cập, hoàn toàn có cơ sở để lo ngại tình trạng đó sẽ diễn ra trong việc áp dụng những biện pháp cần thiết phòng dịch trong trường học, đặc biệt là với các em học sinh.
Cũng bởi vậy mà trong khi thực hiện biện pháp để học sinh đến trường an toàn, khỏe mạnh và học tập cũng bớt áp lực tâm lý như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các nhà trường cũng cần tiếp tục quan tâm, nhắc nhở học sinh thực hiện nền nếp vệ sinh phòng dịch cần thiết.
Cũng từ thực tế trên, có thể thấy việc Hà Nội quyết định cho học sinh cấp học Mầm non và Tiểu học nghỉ thêm một tuần, dự tính đi học trở lại từ ngày 11/5 là hợp lý. Từ những vấn đề phát sinh trong tuần đầu học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên tới trường có thể rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho việc chuẩn bị đón các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học đi học trở lại. Với các cháu ở độ tuổi mà ý thức tự bảo vệ cũng như tâm sinh lý mang tính đặc thù này, việc áp dụng các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh càng cần chặt chẽ, khoa học và phù hợp hơn.
Với quan điểm nêu trên, thậm chí cũng cần tính đến việc xem xét thời gian thích hợp, sự cần thiết cho các cháu trở lại trường. Vẫn biết là việc các cháu nghỉ học kéo dài, đặc biệt là với lứa tuổi mầm non, tiểu học sẽ gây nhiều khó khăn cho mỗi gia đình và cả cộng đồng, nhưng chúng ta luôn phải nhớ phương châm sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, nhất là với con trẻ. Đó cũng là để tránh tình trạng lúc thái quá khi lại bất cập.