Chiều 23/5, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp khẩn liên quan đến vụ phát hiện, thu giữ các hiện vật từ tàu BĐ 10546 TS nghi khai thác cổ vật trái phép.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi - Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, các gốm sứ thu giữ gồm 3 loại: loại đồ celadon men ngọc vẽ ám họa và vẽ ánh vàng trên men, một số loại men trắng; loại đồ gốm men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô, loại đồ gốm men trắng vẽ hoa màu đỏ gạch; loại celadon ngọc ám họa vẽ ánh vàng rất độc đáo.
Gốm sứ tìm thấy có nguồn gốc sản xuất từ các lò gốm Chương Châu, vùng Nam Trung Hoa có niên đại ở thế kỷ 16-17, thuộc giai đoạn Minh- Thanh.
Gốm sứ gồm 33 đĩa, 7 tô có nguồn gốc từ tàu cổ đắm, bị vùi trong lớp bùn và có hàu bám ở độ sâu khoảng hơn 50m nước, xác tàu cổ đắm cần được xác thực, làm rõ qua công tác thăm dò.
Hàng hóa được chở trên tàu buôn hải hành, khả năng tàu bị chìm nhanh khi gặp bão nên hàng hóa gốm sứ còn giữ nguyên vẹn, trên thân một số đồ gốm sứ còn vết bùn và hàm bám, xác tàu vùi trong bùn.
“Các cổ vật khá tốt, không có vết nứt mới, có cái còn nguyên vẹn. Đây cũng là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi phát hiện cổ vật ở trí sâu đến hơn 50m. Con tàu đắm này sẽ mang lại khá nhiều hiện vật có thông tin lớn, bổ sung vào nhận thức con đường tơ lụa trên biển”- ông Khôi nói.
Theo đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, qua công tác điều tra, các ngư dân trên tàu BĐ 10546 TS khai nhận, họ dùng tay phủi bụi bùn ở đáy biển để lấy cổ vật chứ chưa tiến hành các biện pháp thổi hút, nên các vật không xuất hiện vết vỡ mới.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đề xuất một số biện pháp cần triển khai, trong đó, phải tổ chức khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm thông qua lặn nghiên cứu chụp hình dưới nước.
Qua khảo sát, xác định vị trí tàu cổ đắm sẽ tạo tiền đề cho việc thăm dò, khoanh vùng cụ thể để bảo vệ. Vị trí tàu cổ đắm nằm cách xa bờ khoảng 3 hải lý (6km), độ sâu trên 50m nên việc khảo sát cần thực hiện sớm để tránh bất lợi của thời tiết.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, báo cáo Bộ VH-TT&DL sau khi khảo sát hiện trường tàu cổ đắm. Quyết định lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.
Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi sẽ thành lập hội đồng thẩm định chuyên môn có sự tham gia của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL để đánh giá kết quả khảo sát, trình tỉnh xây dựng phương án thăm dò khai quật khẩn cấp tàu cổ đắm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn giao Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ, không cho ngư dân hoạt động ở khu vực phát hiện cổ vật.
Ngành văn hóa làm rõ giá trị của các cổ vật, làm căn cứ cho việc tổ chức bảo vệ, khai quật. UBND huyện Bình Sơn, xã Bình Hải và công an phối hợp với lực lượng biên phòng bảo vệ, không để xảy ra tình trạng khai thác cổ vật trái phép.
Ông Trần Hoàng Tuấn cũng yêu cầu, tập trung tuyên truyền quy định của luật di sản và hình thức xử lý nếu vi phạm, tránh việc người dân khai thác, mua bán, trao đổi trái phép cổ vật từ tàu đắm.
Như Kinh tế & Đô thị đưa tin, ngày 17/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Đồn Biên phòng Bình Hải tuần tra và phát hiện tàu cá có số đăng ký BĐ 10546 TS do ông Nguyễn Văn Triển (sinh 1981, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng với 8 thuyền viên có dấu hiệu hoạt động không đúng ngành nghề.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 33 đĩa và 7 tô bằng gốm sứ nghi là cổ vật. Tổ tuần tra tiến hành lập biên bản, tạm giữ số toàn bộ hiện vật.