Các địa phương chủ động “cấm biển” trước nguy cơ đổ bộ của bão giật cấp 10

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới tại cuộc họp sáng 12/6.
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Khoảng 4 giờ ngày 13/6, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Ngoài ra, từ chiều nay (12/6) đến ngày 14/6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa lớn dông với tổng lượng mưa phổ biến 80 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Riêng khu vực phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hòa Bình, Phú Thọ có tổng lượng mưa phổ biến 150 -  250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 12/6, biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732 phương tiện/225.936 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, có 8.561 tàu thuyền hoạt động trong khu vực ATNĐ đang ảnh hưởng trực tiếp.
Đáng lo ngại, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu. Ngoài ra, hiện có 6 công trình đang thi công dở dang. Đây là các hạng mục có nguy cơ tổn thương lớn nếu ATNĐ hoặc bão đổ bộ.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh diễn biến ATNĐ hiện rất phức tạp. Do đó, tinh thần ứng phó chung là tuyệt đối không được phép chủ quan. Theo đó đối với tuyến biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến. Quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi. Tùy theo diễn biễn của ATNĐ và bão để chủ động cấm biển.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi ATNĐ đổ bộ. Tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.
Đối với vùng núi, các địa phương cần kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đặc biệt, cần chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương, nhất là đối với những khu vực cần tổ chức sơ tán dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần