[Các dịch vụ “lên ngôi” nhờ dịch Covid-19]: Bài 2: Thời cơ “vàng” của thanh toán không tiền mặt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được đánh giá là chưa phát triển đúng với tiềm năng khi rào cản lớn nhất đang là thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng. Và dịch Covid-19 đã mang lại cơ hội không thể tốt hơn để thay đổi thói quen này sang thanh toán phi tiền mặt.

[Các dịch vụ “lên ngôi” nhờ Covid-19] Bài 1: Giải trí trực tuyến được mùa
Giao dịch không tiền mặt sẽ cởi trói cho thương mại điện tử
Giữ trách nhiệm nội trợ trong gia đình, chị Nguyễn Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn sử dụng tiền mặt cho các nhu cầu chi tiêu, tuy nhiên thói quen này đã dần thay đổi trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tiền mặt có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh, do đó chị Nga đã chuyển sang mua hàng trực tuyến nhằm hạn chế tối đa xuất hiện nơi đông người, phương thức thanh toán cũng thuận tiện với chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại.
Việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt như chị Nga cũng đang là lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu của Ngân hàng Nhà nước, khi đầu tháng 2/2020 đến nay, tổng số lượng giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt đã tăng 76% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng giao dịch với số tiền dưới 500.000 đồng chiếm 25% tổng số giao dịch cùng tổng giá trị giao dịch tăng tới 124%.
 Thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng phát triển hiện nay. Ảnh: Công Hùng
Cần phải biết rằng những con số ấn tượng như trên đã thể hiện rõ xu hướng của người tiêu dùng đang nhanh chóng thay đổi thói quen chi tiêu của mình. Và theo nhiều chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam tiếp cận gần hơn với một nền kinh tế phi tiền mặt.
Hưởng lợi rõ ràng nhất của việc thay đổi thói quen sang thanh toán không tiền mặt chính là thương mại điện tử, một thị trường được nhận định là còn rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Theo thống kê từ Google, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn đầu năm đã vượt mốc 5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lên đến 81%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên thói quen sử dụng tiền mặt lại là rào càn lớn nhất để thương mại điện tử phát triển đúng với tiềm năng. Trong năm 2019, thanh toán bằng tiền mặt chiếm tới 80% tổng số lượng và giá trị của các giao dịch trực tuyến. Đây thực sự là con số đáng báo động nếu biết thanh toán trực tuyến chính là xương sống của thương mại điện tử.
Như vậy có thể thấy rằng, thời cơ mà Covid-19 mang lại cho thanh toán không sử dụng tiền mặt là cực kỳ quý giá. Theo Giám đốc VNPAY-QR Ngô Anh Tuấn cho rằng: Dịch Covid-19 đang có tác động mạnh tới thói quen của người tiêu dùng, phần lớn có xu hướng sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến. Điều này có thể thấy rõ qua tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%.
Giảm phí để đẩy nhanh thanh toán online
Nhằm hạn chế hậu quả của dịch Covid-19 cũng như tận dụng cơ hội nhằm thúc đẩy nhanh việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra những quyết định về việc miễn, giảm dịch vụ đối với chuyển tiền nhanh ngân hàng và chuyển mạch đối với giao dịch trực tuyến.
Cụ thể, tới thời điểm hiện tại, các giao dịch thanh toán trực tuyến dành cho các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương sẽ được miễn phí. Giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền từ 500.000 đồng trở xuống và 50% với giao dịch có số tiền từ trên 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Đồng thời mức phí thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng được giảm 50%. Tất các biện pháp này đều được kéo dài tới hết năm 2020.
Tính tới hết tháng 3/2020, đã có 37 ngân hàng xác nhận miễn hoặc giảm phí cho khách hàng, chiếm tỷ trọng 98,9% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền qua Công ty cổ phần Thanh toán Chuyển mạch Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Trong số này có 14 ngân hàng đưa mức phí 0 đồng và 23 ngân hàng có mức giảm xuống còn từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng/giao dịch.
Những điều chỉnh trên đã ngay lập tức phát huy được hiệu quả khi NAPAS cho biết, trong tháng 3/2020, tổng lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ qua hệ thống của mình tăng hơn 32% so với tháng 2. Con số này đã cho thấy rõ xu hướng người tiêu dùng đang có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang các kênh thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn dịch bệnh.
Không những vậy, việc giảm phí cũng tạo điều kiện cho các DN thương mại điện tử tiết giảm chi phí hoạt động, dồn lực thúc đẩy bán hàng trực tuyến, từ đó thu hút thêm được thêm khách hàng. Về lâu dài, nếu thói quen của người tiêu dùng chuyển hẳn sang thanh toán trực tuyến cũng sẽ giúp phần đẩy mạnh thêm doanh thu của NAPAS cũng như các ngân hàng, đại diện của NAPAS cho biết.
(Còn nữa)