Các hãng bay phải chịu trách nhiệm gì khi cho khách “leo cây”?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng chậm, hủy chuyến bay xảy ra như cơm bữa tại một số hãng hàng không hiện nay. Tuy nhiên, ngoài việc phải ôm “cục tức” trong mình, khách đi máy bay cần phải được đền bù xứng đáng với thiệt thòi họ phải chịu.

Khách vật vờ ở sân bay do bị hãng bay cho "leo cây".
Khách vật vờ ở sân bay do bị hãng bay cho "leo cây".

Với việc Thông tư 19/2023 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành, khách đi máy bay chờ đợi đây sẽ là văn bản giúp hành khách lấy lại công bằng trong trường hợp bị các hãng hàng không cho “leo cây” vì những lần chậm, hủy chuyến.

Chuyến bay chậm 5 tiếng trở lên, khách mới được hoàn tiền vé?

Đây là một trong những nội dung gây tranh cãi trong Thông tư 19. Cụ thể, Thông tư 19 của Bộ GTVT định nghĩa, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian kế hoạch trong lịch bay.

Đối với trường hợp chuyến bay bị chậm, Thông tư 19 quy định nghĩa vụ của đơn vị vận chuyển là phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách.

Bên cạnh đó, đơn vị vận chuyển cũng phải xin lỗi hành khách và bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại, cũng như chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không theo quy định trong Điều lệ vận chuyển và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không.

Tất nhiên, đơn vị vận chuyển chỉ phải thực hiện những nghĩa vụ trên trong trường hợp chuyến bay bị chậm được xác định không phải do lỗi của hành khách.

Ngoài những nghĩa vụ như trên, Thông tư 19 cũng nêu ra những điều mà đơn vị vận chuyển phải thực hiện cho hành khách trong những trường hợp chậm chuyến cụ thể.

Thứ nhất, với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.

Thứ hai, với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, trường hợp hành khách không yêu cầu người vận chuyển thực hiện nghĩa vụ theo quy định mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.

Thứ ba, với chuyến bay chậm kéo dài, khi hành khách có yêu cầu, người vận chuyển phải thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Cần có chế tài xử phạt hãng bay để chậm, hủy chuyến.
Cần có chế tài xử phạt hãng bay để chậm, hủy chuyến.

Chuyến bay bị hủy, hãng bay phải bồi thường

Một trong những nội dung được quan tâm nữa là nghĩa vụ và trách nhiệm của hãng bay trong trường hợp để chuyến bay bị hủy, tức là không thể thực hiện được chuyến bay. Với trường hợp này, Thông tư 19 cũng có những quy định cụ thể.

Thứ nhất, đối với trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển và trường hợp chuyến bay bị hủy mà không được người vận chuyển thông báo trước cho hành khách, ngoài các nghĩa vụ tương tự như trường hợp chuyến bay bị chậm, người vận chuyển phải thực hiện các nghĩa vụ khác với hành khách.

Cụ thể, bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định. Bên cạnh đó, trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, người vận chuyển sẽ chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.

Tuy nhiên, trong trường hợp hành khách từ chối áp dụng điều trên, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định. Còn nếu hành khách vẫn tiếp tục từ chối các phương thức trên, người vận chuyển có thể thực hiện nghĩa vụ khác theo thoả thuận với hành khách.

Đặc biệt, Thông tư 19 cũng đưa ra trường hợp chuyến bay khởi hành sớm, tức là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế sớm hơn 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay căn cứ. Với trường hợp trên, người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tương tự như khi chuyến bay bị hủy.

Điều kiện được đưa ra là trường hợp chuyến bay khởi hành sớm được xác định do lỗi của người vận chuyển và hành khách đã được xác nhận chỗ nhưng không được vận chuyển và không nhận được thông báo về việc thay đổi thời gian khởi hành sớm hoặc không đồng ý với việc thay đổi thời gian khởi hành sớm.

Các chuyên gia cho rằng, những quy định trong Thông tư 19 sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của khách đi máy bay trong trường hợp bị các hãng bay cho "leo cây". "Tình trạng chậm hủy chuyến bay xảy ra như cơm bữa trong những năm qua nhưng những chế tài xử phạt hãng bay cũng như bảo vệ quyền lợi khách đi máy bay gần như không có và nếu có cũng không đáng kể hoặc rất khó thực hiện. Hi vọng Thông tư 19 sẽ thay đổi điều này." - một chuyên gia hàng không nêu quan điểm.

 

Thông tư 19 cũng quy định cụ thể việc hoàn vé cho hành khách cũng được áp dụng theo những trường hợp riêng. Theo đó, miễn trừ điều kiện hạn chế về hoàn vé và phí hoàn vé (nếu có). Cụ thể, với vé hoàn toàn chưa được sử dụng, khoản chi hoàn sẽ bằng số tiền vé mà hành khách đã trả. Tiền vé bao gồm các khoản: giá dịch vụ vận chuyển; các khoản thuế, phí do Nhà nước quy định, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý, giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay mà hãng hàng không thu hộ; các khoản phụ thu khác có liên quan theo hóa đơn hợp pháp do hành khách cung cấp.

Trong trường hợp vé đã được sử dụng một phần, khoản chi hoàn sẽ không thấp hơn chênh lệch giữa tiền vé đã trả và tiền vé, các dịch vụ khác đã sử dụng cho hành trình của hành khách.