Các ngân hàng trung ương G10 giữ nguyên lãi suất tháng thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là tháng thứ 3 liên tiếp các ngân hàng trung ương trong nhóm giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới (G10)  không tăng lãi suất - chuỗi dài nhất kể từ mùa hè năm 2021.

Thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Ảnh: Reuters
Thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, tháng 2 tiếp tục là khoảng thời gian ổn định về lãi suất tại các ngân hàng trung ương lớn trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng sẽ có nhiều đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ trên toàn cầu vào cuối năm nay. Trong khi đó, các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

Bốn ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới (G10) đã tổ chức các cuộc họp vào tháng 2 bao gồm Australia, New Zealand, Thụy Điển và Anh đều giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges) không có cuộc họp chính sách trong tháng 2.

Tháng 2 cũng đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp các ngân hàng trung ương G10 không tăng lãi suất, và là chuỗi dài nhất kể từ mùa hè năm 2021.

Thị trường đang dự đoán các ngân hàng trung ương lớn có thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, với dữ liệu kinh tế tích cực gần đây của Mỹ đã củng cố kỳ vọng về khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào quý 2 năm nay.

Theo dữ liệu của LSEG, thị trường tiền tệ đang cho thấy nhiều khả năng cả ECB và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, với xác suất cao hơn một chút đối với ECB.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, Fed dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6, với việc thị trường định giá mức giảm 25 điểm cơ bản để đưa lãi suất mục tiêu của Fed lên mức từ 5% đến 5,25%.

Biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed cho thấy, các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ cảnh giác với việc giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời bày tỏ sự lạc quan thận trọng về xu hướng giảm lạm phát chung.

ECB cũng dự kiến ​​sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, với lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tháng 1 giảm xuống 2,8%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn trì trệ ở phần lớn các nước trong khối.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters, Ngân hàng Trung ương Anh hiện được dự báo sẽ là một trong những ngân hàng cuối cùng bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt, với phần lớn các nhà kinh tế dự kiến ​​đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 8.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi - vốn đã đi trước những nền kinh tế phát triển khác trong cả chu kỳ thắt chặt và nới lỏng - vẫn tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Nicolas Forest - giám đốc thông tin tại Candriam nhận định với Reuters: “Các ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi đang vượt xa thể chế tương tự tại những thị trường phát triển trong việc kiềm chế lạm phát… Tuy nhiên, sức ép từ việc giá dầu tăng đã buộc các ngân hàng trung ương phải tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ với tốc độ chậm hơn”.

Trong số 18 ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển, có 13 ngân hàng đã tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất vào tháng 2, mặc dù chỉ có 2 ngân hàng trung ương là Hungary và Cộng hòa Czech tiến hành giảm lãi suất.

Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Philippines, Israel và Ba Lan đều giữ nguyên lãi suất trong tháng 2. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) không thay đổi lãi suất chính sách cơ bản nhưng đã giảm lãi suất thế chấp chuẩn ở mức kỷ lục.

Bên cạnh đó, không có ngân hàng trung ương nào tại thị trường mới nổi trong báo cáo khảo sát của Reuters thực hiện tăng lãi suất vào tháng 2 – đây là lần tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ lần đầu tiên trong 3 năm gần đây.