Các ngân hàng trung ương lớn chưa tự tin chiến thắng lạm phát

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tiếp tục giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn" hiện là quan điểm chính thức của nhiều ngân hàng trung ương lớn, từ Fed, ECB, cho đến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Thụy Sĩ hay Na Uy.

Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong tuần này, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra thông báo giữ lãi suất ở mức cao cần thiết để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi chu kỳ thắt chặt chính sách toàn cầu chưa từng có đã lên đến đỉnh điểm.

Theo Reuters, tuyên bố “duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” hiện là quan điểm chính thức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cùng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn khác.

Họ cũng cảnh báo thị trường không nên kỳ vọng nhiều vào khả năng sẽ sớm có đợt cắt giảm lãi suất và nên thận trọng với những rủi ro mới đối với lạm phát như việc giá dầu tăng mạnh.

Thống đốc BoE Andrew Bailey hôm 21/9 thông báo sau khi các nhà hoạch định chính sách quyết định giữ lãi suất chính ở mức 5,25%: “Chúng tôi sẽ cần giữ lãi suất đủ cao trong thời gian đủ lâu để đảm bảo rằng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng có một thông điệp tương tự sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày trong tuần này. Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 5,25% - 5,5%, nhưng lưu ý rằng họ sẽ vẫn cứng rắn trong cuộc chiến lạm phát có thể sẽ kéo dài đến năm 2026.

Tại châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước đã kiên quyết rằng không thể loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Điển đều phát tín hiệu rằng họ có thể nâng lãi suất trở lại. Thậm chí, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng đưa ra triển vọng tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát hạ nhiệt về  mức 1,6%.

Cũng có một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Hôm 22/9, BOJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và lưu ý đến “những bất ổn cực kỳ cao” về triển vọng tăng trưởng trong nước và toàn cầu. Trước đó, hôm 20/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản khi triển vọng kinh tế sáng sủa hơn.

“Gió sẽ đổi chiều” trong năm 2024?

Pierre Wunsch, Giám đốc Ngân hàng trung ương Bỉ và là thành viên hội đồng quản trị ECB, người từng hối thúc ECB sớm hành động để kiềm chế ạm phát từ cuối năm 2021, ngày 21/9 nói rằng chính sách tiền tệ hiện đã ở mức phù hợp.

Mặc dù lạm phát tại nhiều nước đã dần lắng dịu, song lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương cho là lành mạnh. Trong tháng 8, lạm phát tại Mỹ là 3,7%, còn khu vực Eurozone tăng 5,2%.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn hoài nghi rằng các ngân hàng trung ương sẽ đi đúng hướng do sự không chắc chắn về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, tác động địa chính trị từ xung đột Nga-Ukraine đến sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Vào thời điểm này năm sau, chúng tôi dự đoán rằng 21 trong số 30 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất” - Capital Economics cho biết trong một bài bình luận có tựa đề “Một điểm bùng phát cho chính sách tiền tệ toàn cầu”.

Đó sẽ là một bước ngoặt đối với thị trường tài chính toàn cầu. Và điều đó nói lên rằng, triển vọng lãi suất toàn cầu đang tiến gần đến mức đỉnh sẽ giúp ích rất nhiều cho các nền kinh tế mới nổi vốn đang phải chịu gánh nặng nợ nần chồng chất.

Với việc Mỹ và châu Âu đều đã tránh được cuộc suy thoái từng được dự đoán, kịch bản về một cuộc “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện trở lại, phần lớn nhờ vào thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng và giới chuyên gia vẫn còn chia rẽ về đánh giá sức mạnh thực sự của nền kinh tế toàn cầu là gì, và liệu có thể duy trì lãi suất cao trong một thời gian dài có ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng hay không.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda cảnh báo các ngân hàng trung ương trên thế giới chưa nên tuyên bố chiến thắng. Ông nói: “Chúng tôi đã thấy hy vọng ngày càng tăng về một cuộc hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ. Nhưng vẫn chưa chắc chắn về việc liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không”.

Một số người lại lạc quan cho rằng Fed có thể sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm tới mặc dù mới đây tuyên bố cứng rắn rằng sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất trong năm nay.

Krishna Guha, Phó chủ tịch Evercore ISI nhận định: “Chủ tịch Fed không cam kết và thậm chí còn khá ôn hòa về một đợt tăng lãi suất khác vào năm 2023, đó là quyết định thực tế ngay bây giờ. Điều này cho thấy Fed nhìn thấy cơ hội cho một cuộc hạ cánh mềm và sẽ cố gắng đạt mục tiêu này".